Một ngày hè tháng 8 nóng nực, cảnh sát Singapore ập vào một trong những địa điểm sang trọng nhất ở quốc đảo này. Khoảng 400 cảnh sát đã tỏa đi khắp cả nước, tiến hành đồng thời một loạt cuộc đột kích vào các khu dân cư trải dài từ khu mua sắm Orchard Road đến đảo Sentosa.
Tổng cộng, họ thu giữ được khối tài sản trị giá lên tới 1,8 tỷ đôla Singapore (tương đương gần 1,3 tỷ USD) gồm vàng, túi xách hàng hiệu, xe hơi hạng sang, bất động sản và cả các tài sản số.
Vụ việc gây chấn động đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Từ hàng chục năm nay, Singapore vẫn được mệnh danh là “Thụy Sĩ của phương Đông”, là đích đến an toàn và trung lập cho các doanh nhân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo như giáo sư Chong Ja Ian của ĐH Quốc gia Singapore nhận xét, vụ việc sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nỗ lực tái định hình của đảo quốc sư tử trong 1 thế giới ngày càng chứng kiến nhiều xung đột, cạnh tranh như hiện nay.
Nền kinh tế có độ mở cao và dựa vào thương mại của Singapore vẫn tỏ ra vững vàng trước các cú sốc bên ngoài như chủ nghĩa bảo hộ dâng cao trên toàn cầu hay đứt gãy chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, một số người đang tự hỏi liệu mô hình kinh tế dựa quá nhiều vào dòng vốn ngoại có còn mang lại nhiều lợi ích cho người dân Singapore như trước đây hay không.
Dòng tiền đổ vào ồ ạt
Dưới sự lãnh đạo của ông Lý Quang Diệu, nhân vật được coi là “người cha lập quốc” của Singapore, quốc đảo này đã phát triển vượt bậc, vươn lên thành một trong những nền kinh tế thành công nhất thế giới.
Singapore hiểu rằng khuyến khích dòng vốn đầu tư nước ngoài và mở cửa đón những lao động nhập cư có trình độ cao, đồng thời ứng dụng công nghệ mới là các trụ cột quan trọng để xây dựng 1 quốc gia thịnh vượng. Trong khi nhiều nước khác vẫn hoài nghi về hợp tác đa quốc gia, ông sẵn lòng chào đón những nhân tố nước ngoài, dành cho họ mức thuế thấp và chính sách trợ cấp hậu hĩnh.
Có thể nói Singapore đã tạo ra sự kết hợp tuyệt vời giữa tư bản với nhà nước phúc lợi cung cấp cho các công dân nhà ở, dịch vụ y tế và giáo dục chất lượng cao.
Singapore cũng đã hưởng lợi lớn từ làn sóng công nghiệp hóa và toàn cầu hóa trên toàn thế giới. Vị trí địa lý chiến lược giúp Singapore trở thành nơi lý tưởng cho hoạt động thương mại. Năm 1965, GDP bình quân đầu người của nước này chỉ là 516 USD nhưng ngày nay đã tăng vọt lên 91.000 USD – cao hơn một loạt nước phát triển như Mỹ, Australia, Pháp, Anh và không kém hơn quá nhiều so với Thụy Sĩ.
Kể cả khi quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng và các cú sốc khác ập đến với thế giới, kinh tế Singapore vẫn đứng vững, thậm chí được hưởng lợi. Theo nhận xét của giáo sư David Bach, người đang công tác tại Viện IMD, Singapore đã trở thành điểm đến rất an toàn trong mắt các nhà đầu tư và tập đoàn đa quốc gia.
Danh tiếng đó cộng với mức thuế thấp giúp Singapore hoàn toàn có thể cạnh tranh với những gói trợ cấp khổng lồ của các nước phát triển như Đạo luật giảm lạm phát của Mỹ hay Green Deal của EU.
Dòng vốn FDI rót vào Singapore tăng lên mức 195 tỷ SGD trong năm ngoái, cao nhất từ trước đến nay và tăng 10% so với 2021. Nước này thu hút 22,5 tỷ SGD dòng vốn đầu tư tài sản cố định trong năm 2022, bất chấp những cơn gió ngược trên toàn cầu.
Kể cả khi lực cầu nội địa suy yếu và tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc, Singapore vẫn tránh được suy thoái. Tỷ lệ lạm phát lõi đã giảm 3 tháng liên tiếp, xuống còn 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 7. Tỷ lệ thất nghiệp quý II là 1,9%, thấp hơn nhiều so với mức 5,1% của London hay 5,4% của New York.
Thách thức trước mặt
Tuy nhiên, Singapore đang phải đối mặt với một số thách thức. Tỷ lệ ủng hộ đảng cầm quyền đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay.
Singapore – với dân số đang già hóa – đã trở thành điểm đến ưa thích của nhiều triệu phú châu Á, khiến một bộ phận người dân phản đối dòng người nhập cư khi giá nhà tăng cao chót vót và chênh lệch giàu nghèo tăng lên. Trung bình 1 ngôi nhà ở đây có giá lên tới 1,2 triệu USD, cao nhất trong số các thành phố ở châu Á Thái Bidnh Dương. Thậm chí từ cuối năm ngoái giá thuê nhà ở đây tăng cao hơn cả New York.
Nhiều người Singapore vẫn được bảo vệ nhờ chương trình trợ cấp nhà ở. Khoảng 80% dân số nước này sống trong các căn hộ thuộc dạng nhà ở xã hội và phần lớn sở hữu nhà thông qua thỏa thuận thuê dài hạn với chính phủ. Tuy nhiên đâu đó vẫn có những người bị ảnh hưởng.
Nicole, người đang sống ở khu vực Tiong Bahru cho biết đã phải dọn về sống cùng bố mẹ vì căn hộ 2 phòng ngủ đang thuê cùng 1 người bạn tăng giá từ 3.000 USD/tháng lên 5.000 USD.
Một phần nguyên nhân khiến giá nhà ở Singapore tăng mạnh, đặc biệt kể từ đại dịch Covid-19, là nhiều người giàu Trung Quốc đã chuyển đến đây sinh sống, không chỉ các tỷ phú mà cả những nhân lực tài năng. Số lượng các công ty Trung Quốc tái định vị thành doanh nghiệp quốc tế đặt trụ sở ở Singapore để tránh rủi ro địa chính trị đã tăng mạnh, trong đó có nhiều startup công nghệ.
Và kể từ đại dịch, ở Singapore bùng nổ các hoạt động thuộc thị trường tài chính phi tập trung như văn phòng gia đình (family office, quản lý tài sản cho các gia tộc), dịch vụ ngân hàng tư nhân và các loại quỹ mới. Những loại hình này khó quản lý hơn và cũng khó xác định chúng làm lợi cho kinh tế bản địa như thế nào. Ví dụ, số doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán đã không tăng vọt.
Tham khảo Financial Times