Cơ quan kiểm dịch sẽ kiểm soát chặt
Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, mới đây Cục Bảo vệ Thực vật (BVTV) đã có thông báo chính thức về việc các doanh nghiệp (DN) có nhiều container trái cây chuẩn bị xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc thì bị “tuýt còi” do vi phạm quy định về BVTV.
Theo đó, Việt Nam đã ký các nghị định thư với các nước nhập khẩu về việc xử lý những trường hợp không tuân thủ điều kiện về kiểm dịch thực vật nhập khẩu. Cục BVTV đã chỉ đạo các địa phương thông báo đến các DN, áp dụng biện pháp kiểm dịch thực vật, mã số cơ sở đóng gói, vùng trồng tạm ngừng, rà soát rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp khắc phục phù hợp, hoàn thiện báo cáo khắc phục để gửi Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) theo điều khoản đã ký.
Cục BVTV sẽ có văn bản chỉ đạo sau khi các địa phương có báo cáo kết quả xử lý những trường hợp không tuân thủ. Cơ quan kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu sẽ kiểm soát chặt chẽ. Hiện hoạt động xuất khẩu nông sản tại các cửa khẩu vẫn diễn ra bình thường, không bị ùn tắc về kiểm dịch thực vật.
Đóng gói khoai lang xuất khẩu sang Trung Quốc ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long - Ảnh: H.Lợi |
Cục BVTV khẳng định các biện pháp nêu trên là cần thiết, đúng thông lệ quốc tế và đúng theo các nghị định thư mà Việt Nam đã ký kết. Điều này giúp giảm thiểu nguy cơ nước nhập khẩu áp dụng biện pháp tạm ngưng không thời hạn hoặc dừng nhập khẩu, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động thương mại 2 bên và uy tín của nông sản của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
“Trong bối cảnh như vậy, Cục BVTV mong muốn các cơ quan báo chí phản ánh, thông tin chính xác, không gây hoang mang hoặc tạo cơ hội cho các đối tượng ép giá người dân, gây rối loạn giá nông sản trong nước, ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và lợi ích quốc gia…” - lãnh đạo Cục BVTV cho biết.
Trung Quốc đã trở thành thị trường khó tính
Ở đồng bằng sông Cửu Long, nhiều năm qua cơ sở kinh doanh trái cây Hương Miền Tây (Bến Tre) được xem là DN thu mua bưởi da xanh hàng đầu với hơn 15.000 tấn mỗi năm. Ngoài tiêu thụ nội địa, Hương Miền Tây còn xuất khẩu bưởi da xanh sang châu Âu, châu Á, Úc và Canada. Riêng thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 80% sản lượng xuất khẩu của cơ sở.
Ông Đàm Văn Hưng - chủ cơ sở - cho biết: “Hàng chục năm trước, việc đưa trái cây sang thị trường Trung Quốc khá thuận lợi, dễ dàng… Giờ thì càng lúc càng khó hơn bởi Trung Quốc đã yêu cầu rất cao về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Gần đây, các đối tác nhập khẩu trái cây từ Trung Quốc đã trực tiếp sang yêu cầu chúng tôi đưa đi kiểm tra nơi sản xuất, vùng trồng, cơ sở đóng gói… Điều đó cho thấy, không chỉ thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản… mà cả Trung Quốc cũng đã là thị trường khó tính.
Để đáp ứng những khắt khe của thị trường thì DN phải mạnh dạn đổi mới sản xuất. Hương Miền Tây đã chủ động liên kết với nhiều hợp tác xã (HTX) trồng bưởi da xanh ở đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ để ký hợp tác sản xuất theo tiêu chuẩn cụ thể của từng thị trường. Chúng tôi thu mua với giá sàn thấp nhất là 25.000 đồng/kg trở lên, đảm bảo nông dân không lỗ. Đây là cách làm giúp nông dân an tâm đầu tư canh tác tốt nhất, DN chủ động nguồn hàng xuất khẩu quanh năm… Đặc biệt, chúng tôi đang xây dựng 600ha vùng nguyên liệu có mã số vùng trồng”.
Theo ông Huỳnh Quang Đức - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre - tỉnh cũng đã xây dựng được 16 vùng trồng và 31 mã số bưởi da xanh. Tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức lại sản xuất một cách bài bản, chất lượng, áp dụng truy xuất nguồn gốc hẳn hoi…
Phân loại bưởi da xanh ở cơ sở trái cây Hương Miền Tây (Bến Tre) để xuất khẩu sang Trung Quốc - Ảnh: H.Lợi |
Ông Ngô Minh Giàu - Phó giám đốc HTX Cây ăn trái Thái Thanh (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) - cho biết: “Chúng tôi đang canh tác gần 140ha thanh nhãn theo hướng hữu cơ, sinh học, đảm bảo an toàn thực phẩm, gắn kết với các DN tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Thời gian qua, thanh nhãn của HTX đã được xuất khẩu sang những thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ… và tới đây sẽ xuất khẩu sang Trung Quốc. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường Trung Quốc, HTX đã triển khai các quy trình sản xuất chặt chẽ và mới đây đã được cấp 2 mã vùng trồng trên diện tích gần 20ha. Thị trường Trung Quốc đã khắt khe như các thị trường khác chứ không còn dễ tính nữa. Do đó, các thành viên trong HTX được quán triệt kỹ về kỹ thuật canh tác, chăm sóc, thu hoạch, đảm bảo các quy định về kiểm dịch thực vật”.
Cũng theo ông Ngô Minh Giàu, thời gian qua, thỉnh thoảng vẫn xảy ra trường hợp thông báo “vi phạm kiểm dịch thực vật” do một số cơ sở đóng gói và DN xuất khẩu thu gom sản phẩm trái cây không đúng “mã vùng” của HTX, có lẫn lộn trái cây bên ngoài.
Không ảnh hưởng đến doanh nghiệp hoạt động nghiêm túc
Theo bà Ngô Tường Vy - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu - việc tạm dừng xuất khẩu những lô hàng vi phạm là cần thiết để nhắc nhở, cảnh báo DN phải làm tốt hơn, giữ uy tín cho thương hiệu nông sản Việt, không ảnh hưởng đến những DN hoạt động nghiêm túc. “Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã nói rõ những lô hàng vi phạm 1-2 lần có trong danh sách Trung Quốc gửi về thì phải tạm dừng xuất khẩu, có biện pháp khắc phục. Còn những lô hàng vi phạm nhiều lần, phải tạm dừng mã số vùng trồng là đúng quy định. Cục BVTV đã có thông báo trước đó chứ không phải đột ngột tạm dừng xuất khẩu lô hàng vi phạm” - bà Ngô Tường Vy nói.
Theo bà, những vi phạm thường gặp từ vùng nguyên liệu là chính, DN luôn cố gắng kiểm soát kỹ hàng hóa tại nhà máy. Tuy nhiên, có những loại trứng côn trùng rất nhỏ không thể nhìn thấy bằng mắt thường và sẽ nở trong quá trình vận chuyển hàng. Nông dân cần có biện pháp canh tác tốt hơn để hạn chế côn trùng và tồn dư thuốc BVTV. Để làm được điều này, chính quyền địa phương cần có biện pháp hỗ trợ nông dân như chỉ rõ những côn trùng có thể phát sinh trên sầu riêng là gì, biện pháp khắc phục và cách loại bỏ côn trùng ra sao...
Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách (Bến Tre) - cho rằng không có vấn đề gì khi Cục BVTV lưu ý về những vi phạm quy định BVTV khi xuất khẩu. Thực tế cho thấy, một số nơi vẫn còn vi phạm về mã vùng trồng do cơ sở đóng gói lấy sản phẩm trái cây nhiều nơi không đúng “mã vùng” đã cấp. Đây là vấn đề cần tuân thủ nghiêm, các HTX, tổ hợp tác cũng phải thường xuyên kiểm soát quy trình sản xuất chặt chẽ, đảm bảo tiêu chuẩn GAP…
Cần quy định tiêu chuẩn cụ thể hơn cho trái cây xuất khẩu Ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - nhấn mạnh cần có tiêu chuẩn rõ ràng, cụ thể để nông dân tuân thủ nghiêm túc, như chỉ thu hoạch sầu riêng đủ tuổi để đảm bảo chất lượng… “Phải xây dựng 1 bộ tiêu chuẩn khoa học về chất lượng sầu riêng khi xuất khẩu, phải đảm bảo chất bột, xơ, đường… Đơn vị nào đạt tiêu chuẩn thì được xuất khẩu, đơn vị nào không đạt thì bị “thổi còi”. Cơ quan chức năng cũng cần đánh giá xác suất vi phạm, trực tiếp đến nhà máy xem DN có thực hiện tốt không, từ đó thông cảm với những rủi ro DN có thể gặp phải” - ông Võ Quan Huy nói. Ông Hoàng Phục - Chủ tịch HTX Nông nghiệp Tân Phú (Bến Tre) - cũng cho biết HTX chuyên trồng, xuất khẩu sầu riêng, không có lô hàng bị tạm dừng xuất khẩu đợt này. Theo ông, Việt Nam cần ban hành luật như Thái Lan, thu hoạch trái cây phải đúng tuổi, đúng độ chín của trái để đảm bảo chất lượng hàng hóa xuất khẩu. Việc này sẽ tránh được tình trạng một vài nơi làm sai gây ảnh hưởng đến các cơ sở khác. “Ví dụ thu hoạch sầu riêng thường kéo dài trong 1 tháng, nếu nhà vườn nào làm ăn ẩu tả, cắt trái non bán cho đủ sản lượng hợp đồng thì những nhà vườn làm ăn đàng hoàng, thu hoạch sầu riêng đúng tuổi sẽ bị ảnh hưởng, rớt giá, thiệt hại oan uổng. Thái Lan có quy định rõ ràng, nhà vườn nào cắt sầu riêng bán non không những bị phạt mà còn có thể bị truy tố nếu gây ảnh hưởng ở mức độ nghiêm trọng” - ông nói. Ông Hoàng Phục cũng cho biết theo quan sát của ông, những quy định về sử dụng thuốc BVTV và 6 loại côn trùng trên sầu riêng của Trung Quốc được nông dân tuân thủ tốt, chỉ còn tồn tại tình trạng thu hoạch trái chưa đủ tuổi, dư đạm… HTX đã quán triệt xã viên tuân thủ vấn đề này. |
Huỳnh Lợi - Nguyễn Cẩm
Xem thêm: lmth.9680051a-gnouht-hnib-ar-neid-nav-couq-gnurt-gnas-uahk-taux-gnod-taoh/nv.moc.enilnounuhp.www