Việc thiếu hành lang pháp lý cho các lĩnh vực xanh đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiếp cận nguồn vốn để phát triển các dự án xanh trong nước. Một số doanh nghiệp (DN) thậm chí phải "xuất ngoại" để được hỗ trợ vốn tốt hơn.
Nhu cầu vốn rất lớn
Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jeans, Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP HCM (AGTEK), cho biết chuyển đổi xanh là vấn đề sống còn đối với ngành dệt may. Hiện tại, thị trường châu Âu (EU) đã đưa ra tiêu chuẩn phát triển xanh, thời gian tới Mỹ, Nhật, Hàn Quốc... cũng sẽ áp dụng các tiêu chuẩn mới về môi trường, giảm phát thải carbon.
Thị trường EU đặt ra những tiêu chuẩn sản xuất xanh rất khắt khe từ nguyên liệu, công nghệ, lợi ích xã hội và khả năng tái chế... và cho phép DN chuyển đổi theo lộ trình cam kết. Điều này có nghĩa những DN không chuyển đổi, một vài năm tới sẽ không thể xuất khẩu vào EU.
Chuyển đổi xanh hiện là vấn đề sống còn đối với ngành dệt may .Ảnh: PHƯƠNG AN
Theo ông Việt, đa số DN dệt may sản xuất gia công nên khi thế giới chuyển biến xanh hóa sản xuất, DN Việt sẽ mất lợi thế cạnh tranh. Giải pháp cho DN là bắt tay vào đầu tư sản xuất bền vững: công nghệ hiện đại, ít gây ô nhiễm môi trường, sử dụng nguyên liệu sản xuất tự nhiên, thân thiện môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo vào sản xuất… để vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa đáp ứng yêu cầu của những nhà mua hàng quốc tế.
"Cùng 1 sản phẩm nhưng sản xuất bằng công nghệ thường, bán sang Mỹ và châu Âu chỉ khoảng 11 USD/cái. Còn nếu sử dụng nguyên liệu hữu cơ hoặc nguyên liệu tái chế, sản xuất bằng công nghệ cao sẽ có giá 15-16 USD/cái ở thị trường Mỹ và 20-23 USD/cái ở EU" - ông Việt dẫn chứng về lợi ích của việc xanh hóa sản xuất.
Tuy vậy, chuyển đổi xanh không phải là việc dễ dàng đối với nhiều DN. Bởi, đầu tư cho xanh hóa là một quá trình dài, tốn kém. Hiện nay, nhiều DN không đủ nguồn tài chính và không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng (NH) để chuyển đổi.
Cũng khẳng định tiêu chuẩn xanh là yếu tố quan trọng, mang tính bền vững đối với ngành dệt may, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết trước mắt, đến năm 2025 EU sẽ đánh thuế cao carbon đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này. Từ nay đến đó, DN xuất khẩu Việt phải kịp thời xanh hóa để đủ điều kiện bán hàng vào EU.
Tuy nhiên, đầu tư sản xuất xanh rất tốn kém nên chỉ một số ít DN có tài chính mạnh mới có thể tự thực hiện nhằm đáp ứng tiêu chuẩn xanh. Một số DN khác cũng nỗ lực chuyển đổi nhưng ở mức chậm hơn và cam kết lộ trình để giữ chân khách hàng. "Bangladesh đã hỗ trợ giảm thuế, cho vay vốn ưu đãi… để hỗ trợ DN dệt may của họ phát triển xanh. Việt Nam cũng có thể tham khảo để tiếp sức cho DN mạnh dạn đầu tư sản xuất xanh" - ông Tùng nêu quan điểm.
Trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm - đồ uống, một số DN cũng có nhu cầu đầu tư chuyển đổi xanh để bắt kịp xu thế thế giới. Đơn cử, Công ty TNHH SX-TM Tân Quang Minh (Bidrico), có nhu cầu đầu tư nâng công suất xử lý nước thải lên gấp 3 lần và chuyển đổi sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường. Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc công ty, cho biết dù rất tâm huyết nhưng công ty phải gác lại dự định vì chưa có vốn.
Trong khi đó, ông Trường An, đại diện CT Group, cho hay tập đoàn đang phát triển mảng vật liệu xây dựng xanh để giảm phát thải khí nhà kính, đầu tư phát triển các hệ thống giao thông công cộng nhanh (tàu điện cao tốc và máy bay không người lái) nhằm góp phần thực hiện việc giảm phát thải nhà kính đến năm 2050 đạt net zero…
Thế nhưng, DN đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn tín dụng xanh để phát triển các công nghệ nói trên tại Việt Nam. Do đó, các công ty phát triển công nghệ của CT Group đều phải đặt trụ sở tại các nước phát triển như: Pháp, Israel, Thụy Sĩ... vì các nước này có khung pháp chế, chính sách hỗ trợ các DN khởi nghiệp về công nghệ để có thể tiếp cận nguồn tài chính xanh.
Tín dụng xanh còn thấp
Để đáp ứng vốn cho các dự án đầu tư, chuyển đổi xanh, thời gian qua các NH đã sớm bắt tay vào việc phát triển tín dụng xanh trong nước. Là NH có dư nợ tín dụng xanh cao trong hệ thống, đại diện Agribank cho biết NH có tới gần 70% dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn nên việc phát triển tín dụng xanh rất quan trọng.
Tính đến ngày 31-12-2022, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực xanh của Agribank đạt gần 12.000 tỉ đồng (chiếm khoảng 1% dư nợ cho vay nền kinh tế), tập trung các lĩnh vực như lâm nghiệp bền vững, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, nông nghiệp xanh, công nghiệp xanh.
NH TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa ký thu xếp tài chính khoản vay 300 triệu USD (tương đương 7.200 tỉ đồng) với Tổ chức phát triển tài chính Mỹ DFC nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Khoản vay có thời hạn 7 năm, giúp VPBank củng cố nền tảng vốn nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động tài chính bền vững phù hợp với chiến lược phát triển của NH, bao gồm hỗ trợ DN chuyển dịch danh mục đầu tư vào các hoạt động chống biến đổi khí hậu và công nghệ phát thải carbon thấp tại Việt Nam.
Tại một hội thảo về tín dụng xanh gần đây, Phó Thống đốc Thường trực NH Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết ngành NH luôn tích cực và nỗ lực hướng đến các mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra trong chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
NHNN đã phê duyệt Đề án phát triển NH xanh tại Việt Nam; lồng ghép mục tiêu tăng dần tỉ trọng dư nợ tín dụng xanh trong tổng dư nợ tín dụng của hệ thống tổ chức tín dụng trong Chiến lược phát triển ngành NH đến năm 2030, tạo cơ sở định hướng kinh doanh cho tổ chức tín dụng.
Năm 2023 ở Việt Nam có 43 tổ chức tín dụng tham gia hoạt động cấp tín dụng xanh. Tuy nhiên, theo NHNN tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh hiện nay còn thấp, mới chiếm 4,6% tổng dư nợ nền kinh tế. Con số này vẫn còn cách khá xa mục tiêu 10% tổng dư nợ nền kinh tế vào cuối năm 2025.
Theo ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN, để các cơ chế, chính sách của ngành NH thực sự phát huy hiệu quả nhằm mở rộng và khơi thông nguồn vốn tín dụng cho các lĩnh vực xanh, NHNN kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, tham mưu hoàn thiện hành lang pháp lý.
Từ đó, sớm ban hành danh mục phân loại xanh làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh. Đồng thời, xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các ngành xanh (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển…) của từng ngành/lĩnh vực một cách đồng bộ nhằm thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh.
Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu xanh, tạo kênh huy động vốn cho các chủ đầu tư có thêm nguồn lực triển khai các dự án xanh. Sớm hoàn thiện Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam trong đó làm rõ vai trò tham gia của các định chế tài chính, các tổ chức tín dụng trong triển khai, thực hiện.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 11-9
Hỗ trợ tối đa 200 tỉ đồng
Để hỗ trợ nguồn vốn cho DN, TP HCM đang xây dựng đề án cho vay kích cầu đầu tư theo Nghị quyết 98. Ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP HCM (HFIC), cho biết theo đề án, bên cạnh các lĩnh vực sản xuất thuộc 4 ngành công nghiệp chủ lực TP HCM, chương trình sẽ xem xét bổ sung các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo hay công nghệ cao, tăng trưởng xanh, năng lượng tái tạo. Mức hỗ trợ cũng được tăng lên gấp đôi, tối đa 200 tỉ đồng cho DN vay ưu đãi trong thời hạn 7 năm.
Xem thêm: mth.76160101221903202-nov-naot-iab-gnon-uey-tat-uac-uey-hnax-gnourt-gnat/et-hnik/nv.moc.dln