Dữ liệu mới nhất do OPEC công bố ngày 12/9 cho thấy lý do tại sao nguồn cung của nước này bị siết chặt trong bối cảnh nhu cầu kỷ lục, điều này đã khiến giá dầu tăng vọt vượt quá 90 USD/thùng. Ả Rập Xê Út tuần trước tuyên bố sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm nay, mặc dù thị trường đang thắt chặt.
Báo cáo từ OPEC chỉ ra rằng dự trữ dầu thế giới đã cạn kiệt trong quý này, thậm chí còn giảm mạnh hơn khoảng 3,3 triệu thùng/ngày trong ba tháng tới. Nếu thành hiện thực, đây có thể là đợt giảm tồn kho lớn nhất kể từ ít nhất là năm 2007.
Chiến lược diều hâu của Ả Rập Xê Út kết hợp với việc cắt giảm xuất khẩu từ Nga có nguy cơ mang lại áp lực lạm phát mới cho nền kinh tế toàn cầu mong manh. Giá dầu diesel tăng vọt ở châu Âu, trong khi các hãng hàng không Mỹ cảnh báo hành khách phải chuẩn bị tinh thần vì chi phí tăng cao.
OPEC ước tính thiếu hụt nguồn cung toàn cầu |
Theo báo cáo, 13 thành viên của OPEC đã bơm trung bình 27,4 triệu thùng/ngày trong quý này, ít hơn khoảng 1,8 triệu thùng so với mức họ tin rằng người tiêu dùng cần. Nếu tổ chức này giữ sản lượng không thay đổi, khoảng cách giữa cung và cầu sẽ gần như tăng gấp đôi trong ba tháng cuối năm. OPEC ước tính họ cần cung cấp 30,7 triệu thùng/ngày trong quý IV để đáp ứng nhu cầu.
Trong khi các quan chức OPEC thường xuyên nói rằng mục tiêu của họ là giữ cho thị trường dầu mỏ thế giới cân bằng, những dự báo mới nhất cho thấy họ đang có ý định giảm nhanh lượng tồn kho. Báo cáo cho biết, dự trữ dầu thô ở các nền kinh tế phát triển hiện thấp hơn khoảng 114 triệu thùng so với mức trung bình trong giai đoạn 2015-2019.
Trong khi đó, ước tính từ Bloomberg Economics cho biết Ả Rập Xê Út có thể cần giá dầu ở mức gần 100 USD/thùng để trang trải chi tiêu của chính phủ cũng như các dự án đầy tham vọng của Thái tử Mohammed Bin Salman. Ả Rập Xê Út đã chi một khoản tiền đáng kể cho các dự án mạo hiểm, từ thành phố tương lai Neom cho đến việc mua lại những cầu thủ bóng đá hàng đầu cho giải đấu quốc nội của mình.
Báo cáo của OPEC phần lớn giữ nguyên ước tính về nguồn cung và cầu toàn cầu trong năm nay và năm tới. OPEC+ sẽ nhóm vào ngày 26/11 để xem xét chính sách sản xuất cho năm tới.
Trong khi việc thắt chặt nguồn cung do Ả Rập Xê Út thực hiện phản ánh ảnh hưởng mà nước này vẫn nắm giữ trên thị trường năng lượng, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mới đây cũng đã đưa ra lời nhắc nhở về việc sự kiểm soát đó có thể bị suy yếu như thế nào.
IEA cho biết, khi người tiêu dùng đang chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo để ngăn chặn biến đổi khí hậu, “chúng ta có thể đang chứng kiến sự khởi đầu của sự kết thúc của kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch” với nhu cầu đạt đỉnh điểm trong thập kỷ này.