Từ nhiều năm nay, bất chấp nhiều giai đoạn khó khăn của thị trường, quan hệ thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và khu vực Mỹ Latinh không ngừng được phát triển và mở rộng.
Chỉ trong vòng 5 năm, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng gấp đôi từ mức 14,2 tỉ USD của năm 2018 (cũng là năm đầu tiên Diễn đàn thương mại Việt Nam - Mỹ Latinh được tổ chức) lên mức 23 tỉ USD năm 2022.
Đáng chú ý, bên cạnh các thị trường có kim ngạch trao đổi hàng đầu tại khu vực như Brazil, Mexico, Argentina, Chile, nhiều thị trường mới nổi như Panama, Colombia, Peru đã và đang trở thành điểm sáng trong trao đổi thương mại của Việt Nam với Mỹ Latinh với tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong những năm gần đây.
Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương), thông tin như vậy tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Mỹ Latinh năm 2023 chủ đề "Thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Mỹ Latinh thông qua các kênh phân phối hàng hoá" do Bộ Công Thương phối hợp UBND TP HCM tổ chức, diễn ra sáng 14-9 tại TP HCM.
Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương) phát biểu khai mạc diễn đàn
Theo ông Linh, Mỹ Latinh không chỉ là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như hàng dệt may, da giày, nông thủy sản… mà còn là khu vực cung ứng nguyên phụ liệu quan trọng cho ngành sản xuất của Việt Nam với các sản phẩm thế mạnh như ngô, đậu tương, thức ăn chăn nuôi…
Về đầu tư, Việt Nam tiếp tục triển khai thực hiện một số dự án đầu tư quan trọng tại Mỹ Latinh với số vốn hàng trăm triệu USD.
Tuy nhiên, giá trị trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Mỹ Latinh vẫn còn khiêm tốn và chưa tương xứng với tiềm năng. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ Latinh vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong hợp tác kinh doanh như: khoảng cách địa lý xa xôi, chưa có tuyến vận tải hàng hoá trực tiếp, chi phí logistics cao, khác biệt về ngôn ngữ, thiếu thông tin thị trường... Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, suy thoái kinh tế, xung đột địa chính trị và tác động kéo dài của đại dịch COVID-19 đã và đang gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với thương mại toàn cầu, trong đó có thương mại giữa Việt Nam và các nước Mỹ Latinh.
Tại diễn đàn, đại diện các cơ quan kinh tế, nhà phân phối của các tập đoàn lớn ở Mỹ Latinh gồm Tập đoàn Coppel (Mexico), Cencosud (Chile) và Renner (Brazil) đã cập nhật tình hình thị trường khu vực này cho doanh nghiệp Việt Nam đồng thời phân tích cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam tại khu vực này.
Theo các ý kiến, khu vực Mỹ Latinh có tiềm năng rất lớn, điều kiện là doanh nghiệp Việt cần có những bước đi bài bản, chuyên nghiệp.
Đại diện các tập đoàn lớn khu vực Mỹ Latinh chia sẻ thông tin về thị trường với các doanh nghiệp Việt Nam
Theo đó, doanh nghiệp Việt cần xác định hướng đi và mặt hàng tiềm năng cho từng thị trường, tiếp cận và đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, quy định và đưa hàng vào các tập đoàn phân phối, tập đoàn bán lẻ của các nước Mỹ Latinh.
Chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong giao dịch thương mại với các nước Mỹ Latinh, bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Giám đốc kinh doanh Công ty Napoli Coffee, lưu ý các doanh nghiệp muốn làm ăn với khu vực này phải tìm hiểu tập quán tiêu dùng, kênh phân phối và điều kiện địa lý. Ngoài ra về thanh toán, doanh nghiệp Việt Nam nên mở L/C (thư tín dụng) để hỗ trợ cả 2 phía đầu nhập và đầu xuất.
"Do đây là thị trường xa, thời gian giao hàng lâu nên phải chọn bao bì đóng gói phù hợp với cách thức tiêu dùng và kênh phân phối ở Mỹ Latinh; đồng thời phải có thời gian sử dụng phải lâu hơn. Đặc biệt, nên chọn đơn vị vận chuyển hiểu thị trường và có những chứng nhận phù hợp từng nước trong khu vực"- bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Giám đốc kinh doanh Công ty Napoli Coffee nói thêm.