vĐồng tin tức tài chính 365

Kỳ 3: Phát hiện quan trọng của trinh sát vừa "đổi nghề"

2023-09-14 13:35

Song Song với công tác thu thập chứng cứ của Phòng CSĐT; Cơ quan CSĐT của Công an TP.Thủ Dầu Một có kế hoạch tấn công các băng nhóm trên địa bàn, trong đó có đưa các vụ án chưa làm rõ thủ phạm do băng nhóm gây ra vào kế hoạch điều tra để làm rõ. Đối với vụ 2 sát thủ áo đen giết hụt anh Nguyễn Tấn Phú, có 2 luồng ý kiến chưa đồng thuận. Nhóm ý kiến thứ nhất cho rằng vụ này là do giang hồ "bản địa" Bình Dương gây ra. Nhóm ý kiến thứ hai khẳng định: với thủ đoạn dùng súng để bắn nạn nhân, nhất là súng hoa cải cho thấy đây là "thói quen" của giang hồ Bắc. Còn giang hồ Bình Dương hay mở rộng hơn là giang hồ Miền Đông lâu nay chỉ đến mức sử dụng dao, kiếm, mã tấu... Ý kiến nào đúng phải chờ kết quả quá trình điều tra sau này...

Suốt 18 tháng ròng rã, Phòng CSĐT và Công an TP.Thủ Dầu Một nỗ lực điều tra vụ giết người với nạn nhân là anh Nguyễn Tấn Phú, song kết quả vẫn mờ mịt. Với quyết tâm phá bằng được vụ án này, các lực lượng tham gia vẫn không nản chí, vắt óc tìm biện pháp lần ra manh mối 2 tên sát thủ áo đen trong mớ bòng bong cả trăm đối tượng nghi vấn. Công sức của các anh cuối cùng đã được đền đáp. Người ghi được "bàn thắng" đầu tiên để chuyển hóa cục diện điều tra vụ án này là Đại úy Nguyễn Công Khanh. Anh Khanh là Phó đội trưởng Đội cảnh sát điều tra tội phạm ma túy của công an TP.Thủ Dầu Một - Bình Dương.

Đối tượng Trần Đức Quý

Tháng 8/2014, Đại úy Khanh được cấp trên điều động về đảm nhận chức vụ Phó đội trưởng đội CSĐT - Công an TP.Thủ Dầu Một. Vừa nhận nhiệm vụ mới chưa được bao lâu, Đại úy Khanh đã nhận được "món quà” bất ngờ. Nhân vật "Z" - một cộng tác viên sống ở các tỉnh phía Bắc được anh xây dựng trong mạng lưới cung cấp thông tin chống tội phạm ma túy trước đây, giờ phát huy cao hiệu quả. "Z" báo cho anh Khanh một thông tin quý hơn vàng: "Có mấy thằng có số má ở Hà Nội đang rủ tôi vô Miền Nam để đòi nợ. Con nợ của chúng hình như là dân Sài Gòn, làm ăn ở Bình Dương, còn nợ chúng nó một số tiền lớn hơn nửa tỷ đồng. Chúng rủ tôi hùn tiền mua vé máy bay vào Sài Gòn, nếu đòi được nợ sẽ trả tôi cả vốn lẫn lãi. Khi được hỏi: "Nếu không đòi được thì sao, tao mất vốn à?" Thì chúng bảo: "Vợ chồng nhà đó có chạy đàng trời... Không trả tiền thì chúng ông xử luôn vợ chồng nhà nó...". Tôi hỏi kỹ thêm thì được biết con nợ trước đó đã thuê chúng giết một người đàn ông với giá 1 tỉ đồng. Chúng dùng súng bắn rồi, nhưng "số thằng đó to nên chưa chết. Chưa chết thì cũng phải trả đủ tiền cho chúng ông...". Chúng nói như vậy!"

Đại úy Khanh ngay lập tức báo cáo nội dung tin của "Z" cho cấp trên của mình là Trung tá Trần Văn Trú - Phó trưởng Công an TP.Thủ Dầu Một - Bình Dương. Trung tá Trú xin ý kiến chỉ đạo từ Đại tá Nguyễn Hoàng Thao và Thiếu tướng Võ Thành Đức là Phó Giám đốc và Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương. Theo chỉ đạo từ Ban giam đốc công an tỉnh, Trung tá Trần Văn Trú sẽ dẫn đầu một nhóm công tác có Đại úy Nguyễn Công Khanh lập tức ra Hà Nội để xác minh, làm rõ thông tin do "Z" cung cấp.

Nhờ sự nhiệt tình hỗ trợ, giúp đỡ của công an các quận, huyện Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Phúc Thọ... chỉ trong thời gian ngắn, Tổ công tác đã hoàn thành nhiệm vụ, nắm được lý lịch nhân thân của số đối tượng cộm cán nghi có liên quan đến "hợp đồng" giết anh Nguyễn Tấn Phú. Sau khi suy nghĩ, bàn bạc, Trung tá Trần Văn Trú, trưởng nhóm công tác của Công an tỉnh Bình Dương tại Hà Nội đã quyết định chọn một trong số nhiều đối tượng để "đột phá”. Đối tượng này đã được tổ công tác nghiên cứu rất kỹ và đánh giá là "mềm" hơn những tên khác, nhưng nắm khá nhiều thông tin quan trọng. Đó là tên Phạm Chí Thức, sinh năm 1985, thường trú tại Huyện Văn Lâm, Tỉnh Hưng Yên, hiện đang chấp hành án tại Trại giam Thanh Xuân - Bộ Công an.

Hồ sơ vụ án
Lô đất tranh chấp giữa vợ chồng anh Phú và bà Danh tại đường Nguyễn Du, TP.Thủ Dầu Một

Sau khi tham gia cùng đồng bọn nhiều lần vào Nam để lên kế hoạch giết anh Nguyễn Tấn Phú, Thức được đồng bọn chia cho ít tiền và một chiếc xe máy. Đến lúc nghe tin lực lượng công an đang truy tìm những kẻ nhúng tay vào vụ giết người này, Thức lo sợ đến mất ăn, mất ngủ, nhất là khi nghe tin một tên đồng bọn đã bị bắt ở Bình Dương. Sau nhiều ngày suy tính cặn kẽ, Thức quyết định "bỏ trốn" theo cách rất lạ đời nhưng nhiều tên tội phạm sừng sỏ từng sử dụng. Đó là gây ra một vụ án theo tội danh nhẹ, khung hình phạt tù thấp để được vào... trại giam. Vào đó rồi thì rất yên chí, cơ quan điều tra vụ án giết người ở Bình Dương rất khó lần ra tung tích hắn. Nghĩ là làm, Thức ra bờ hồ Hoàn Kiếm đi thơ thẩn, lòng vòng tìm "mối" gây án. Có một du khách nước ngoài đang xách lủng lẳng một cái máy ảnh kỹ thuật số khá "xịn", Thức lượn vài vòng tìm cơ hội thuận lợi rồi xông vào giật máy ảnh bỏ chạy.

Do có chủ ý từ trước nên hắn chạy tà tà, chờ vị khách ngoại quốc kia hô hoán, chỉ trỏ cho lực lượng cảnh sát, dân phòng gần đó dí theo bắt. Thế là hắn được vào trại giam. Ăn cơm tù, ngủ trong bốn bức tường kín mít vài ngày đầu giúp Thức quên đi nỗi lo bị bắt về tội giết người. Nhưng sau đó, lòng hắn cồn cào nhớ nhà, nhớ vợ con. Hắn tìm điện thoại "trôi nổi" trong giới phạm nhân ở chung trại để gọi về nắm tình hình thì bị quản giáo phát hiện, xử lý kỷ luật. Đó cũng là lúc hắn được đưa ra phòng làm việc của trại để gặp... "khách". Vừa gặp các vị "khách" nói giọng miền Nam và biết là họ từ Bình Dương ra, Phạm Chí Thức đã sợ xanh mặt. Hắn sợ là phải, vì tổ công tác của công an TP.Thủ Dầu Một - Bình Dương hình như đã biết hết tỏng tong vụ án giết người đó. Họ khuyên hắn nên thành thật khai báo để được hưởng khoan hồng. Đúng là cơn ác mộng với Thức, nhưng hắn cũng chẳng còn đường nào khác! Nếu cứ đóng vai "anh hùng rơm" để giữ bí mật cho đồng bọn thì biết có ngày nào được về với vợ con? Thôi thì ai làm nấy chịu, thà để chúng nó trách móc còn hơn một mình gánh trọng tội.

Thế là Thức bắt đầu khai. Lúc đầu chỉ ậm ừ khai nhỏ giọt, nhưng trước các biện pháp xét hỏi, đấu tranh của tổ công tác, hắn đành thúc thủ, phải khai đủ, khai thật những điều mình biết... Từ lời khai của Thức, tổ công tác quyết định chọn Trần Đức Quý là mục tiêu đấu tranh tiếp theo. Quý sinh năm 1988, hộ khẩu thường trú tại xã Bình, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Quý sống bằng "nghề" ma cô dắt gái cho các ổ chứa, quán karaoke, bia ôm ở quận Hoàng Mai, Hà Nội. Sau một đêm ăn chơi phè phỡn, Quý trở về nhà trọ ngủ thì bị tổ công tác của công an Bình Dương và các đơn vị thuộc công an TP.Hà Nội bắt giữ. Dù là giang hồ thứ thiệt và khá hung hăng, lỳ lợm, nhưng khi tổ công tác đưa ra các biện pháp nghiệp vụ, Trần Đức Quý đã phải cúi đầu khai nhận tội lỗi. Cũng như Phạm Chí Thức, điều hắn lo sợ ngày đêm là vụ giết người ở Bình Dương bị phanh phui. Vì thế, khi đối diện với những điều tra viên từ Bình Dương ra, tên ma cô dắt gái ở Hà Nội chỉ còn đường khai chứ không còn đường tránh né...

(Còn tiếp...)

Kỳ 2: Đi tìm nhân vật
(CATP) Hai tên áo đen, bịt mặt cố ám sát anh Nguyễn Tấn Phú là ai? Anh không hề quen biết chúng và khả năng chúng cũng chẳng có thù oán gì với anh. Vậy tại sao chúng phải khổ công theo dõi và rắp tâm hại anh? Điều bí ẩn này chỉ có thể giải thích khi cơ quan chức năng làm rõ được vụ án. Nhưng cứ theo chuyện phổ biến ở đời mà báo chí nhiều lần phản ánh thì hai tên tấn công anh Phú chắc chắn là sát thủ, được ai đó nhờ vả, thuê mướn để giết anh. Kẻ giấu mặt này là ai? Tại sao lại thù hận anh Phú đến mức bất chấp tất cả để tước đoạt mạng sống của anh?
 
PHÚC HUY - NGỌC HUY - HỒNG CƯỜNG

Xem thêm: lmth.875251_ehgn-iod-auv-tas-hnirt-auc-gnort-nauq-neih-tahp-3-yk/na-uv/nv.moc.nagnoc

Comments:0 | Tags:Vụ án

“Kỳ 3: Phát hiện quan trọng của trinh sát vừa "đổi nghề"”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools