Làm giấy khai sinh tại nhà
Tháng trước, cháu của bà Trần Thị Lạnh (ngụ thôn Cổ Mỹ, xã Vĩnh Giang, Quảng Trị) vào lại TP.HCM cùng gia đình sau kỳ nghỉ hè ở quê ngoại. Do di chuyển bằng máy bay nên cần phải có giấy khai sinh để làm thủ tục.
Trong khi đó, toàn bộ giấy tờ của cháu đều để trong thành phố. Bấy giờ, biết xã đã từng bước hỗ trợ người dân làm giấy tờ hành chính tại nhà, người nhà bà Lạnh ở TP.HCM đã chụp giấy khai sinh của cháu rồi gửi qua Zalo cho cán bộ tư pháp của xã.
Chỉ ít phút thao tác và một số giấy tờ cần thiết, bà Lạnh đã hoàn thành thủ tục hành chính ngay tại nhà. 30 phút sau, bà được cán bộ xã thông báo lên ủy ban nhận giấy tờ cho cháu ngoại. "Tôi thật không ngờ vì bây giờ thủ tục hành chính lại đơn giản đến thế. Cứ ngỡ như ngày trước, phải lên chờ đợi cả buổi ở xã mới xong", bà Lạnh nói.
Theo lãnh đạo xã Vĩnh Giang, địa phương là xã thuần nông và ngư nghiệp, phía nam giáp với sông Bến Hải và cửa biển Cửa Tùng, do vậy chuyển đổi số là một khái niệm rất mới mẻ với hơn 5.000 nhân khẩu tại đây. Để thực hiện thủ tục hành chính, người dân thường lựa chọn đi trực tiếp đến ủy ban xã để được hướng dẫn trực tiếp.
Từ tháng 8-2022, xã Vĩnh Giang của tỉnh Quảng Trị bắt đầu chuyển mình, thực hiện chuyển đổi số từ việc đơn giản nhất là chi trả tiền điện. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, nhiều người dân phàn nàn việc trả tiền điện tập trung tại các nhà sinh hoạt cộng đồng thôn khiến người dân mất quá nhiều thời gian chỉ để trả 20.000 đồng tiền điện.
Hơn 2.100 hồ sơ qua cổng dịch vụ công trực tuyến
Theo chính quyền xã Vĩnh Giang, hiện xã đã triển khai các tổ công nghệ số cộng đồng đến 7 thôn trong toàn xã. Nòng cốt của tổ là các trưởng thôn, trưởng làng và các cán bộ trẻ. Sau đó, tổ đi đến từng nhà hướng dẫn người dân cài đặt nhiều ứng dụng tiện ích như Quảng Trị IOC, dịch vụ công trực tuyến… Xã cũng làm việc với các nhà mạng, tìm nhà mạng có sóng tốt, giá cả cạnh tranh để người dân có 3G để thao tác.
Chuyển đổi số mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, mọi người có thể ngồi nhà làm được mọi thứ, từ dịch vụ công, mua bán từ vé máy bay cho đến nông sản làm ra
Một thuận lợi là khoảng 60% người dân đã sử dụng điện thoại thông minh, nhưng họ cứ ngại khó mà dè chừng. Sau thời gian dài vận động, đến nay, hơn 80% người dân đã thanh toán tiền điện qua ứng dụng ngân hàng. Số còn lại, phần lớn là người lớn tuổi, nhờ con cháu hỗ trợ thanh toán. Hàng tháng đến kỳ thu tiền điện, tại các nhà cộng đồng không còn cảnh chen chúc, xô đẩy để trả tiền điện như trước.
Ngoài ra, mỗi thôn lập một nhóm Zalo, thay vì phát loa, giấy mời đến từng hộ dân, nay trưởng thôn chỉ cần gửi thông tin hành chính, họp hành vào trong nhóm là thông tin đến với từng chủ hộ.
Theo chị Bùi Thị Thúy - cán bộ Tư pháp hộ tịch xã Vĩnh Giang - nhiều thủ tục hành chính qua mạng như xác định tình trạng hôn nhân, trích lục khai sinh, khai tử, giấy kết hôn, đăng ký hoặc xóa thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế … đều được chuyển đổi số.
"Một số giấy tờ người dân có thể nhận tại nhà qua đường bưu điện. Một số giấy tờ khác, bà con có thể nhận chứng thực điện tử để giao dịch trên mạng. Chỉ khi nào cần bản gốc, người dân mới đến xã để ký sổ nhận", chị Thúy nói. Trước kia, nhiều thủ tục hành chính, người lao động ở xa phải về quê, đến trực tiếp mới được giải quyết, tạo sự phiền hà, tốn kém.
Theo chị Thúy, từ tháng 10-2022 đến tháng 9-2023, xã Vĩnh Giang đã tiếp nhận và giải quyết gần 2.100 hồ sơ qua cổng dịch vụ công trực tuyến, mang đến sự hài lòng, tin tưởng của người dân.
Mua bó rau cũng chuyển khoản
Từ tháng 5-2023 trở lại đây, người dân đi chợ Hồ Xá (huyện Vĩnh Linh) dần quen với việc thanh toán qua mã QR. Với mã QR, người dân không còn chứng kiến cảnh tiểu thương đi đổi tiền lẻ để thối tờ tiền mệnh giá lớn dù họ chỉ bán mớ rau, cọng hành. Tiểu thương bán được nhiều hàng hơn, người mua có thêm hình thức thanh toán nếu quên tiền mặt hoặc không có tiền lẻ.
23 năm kinh doanh điện tử, đồ gia dụng tại chợ Hồ Xá, đến nay, tiểu thương Nguyễn Xuân Khánh mới thấy hết lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt. "Tôi thấy mọi việc tiện lợi, đơn giản hơn, quan trọng nhất là khỏi nhầm lẫn giữa người mua và bán", anh Khánh nói.
Tại huyện Vĩnh Linh, việc chuyển đổi số các chợ truyền thống thực hiện từ tháng 5-2023. Bà Phan Thị Liên - trưởng BQL chợ huyện Vĩnh Linh, cho hay đơn vị này quản lý 6 chợ, khoảng 5.000 tiểu thương trên toàn huyện.
Hàng tháng, BQL thu tiền lệ phí vệ sinh môi trường, bảo vệ, điện nước… của 5.000 tiểu thương. Sáu nhân viên BQL mất 10 ngày ngồi viết từng phiếu thu, sau đó đi đến từng chợ thu tiền mặt. Cuối ngày, các nhân viên này ngồi kiểm đếm từng bó tiền lẻ 1.000, 2.000 đồng để nhập thủ quỹ. "Viết phiếu, thu tiền mãi không xong nên nhân viên không có thời gian làm việc khác", bà Liên than phiền.
Từ tháng 5-2023, bà Liên quyết định ứng dụng chuyển đổi số vào việc thu tiền dịch vụ. Mỗi tiểu thương được ban quản lý cấp cho "một mã định danh". Đến tháng, tiểu thương quét QR rồi thanh toán tiền dịch vụ cho ban quản lý. Cuối tháng, kế toán in sao kê rồi rà soát lại để làm quyết toán.
Song song với thanh toán tiền dịch vụ, BQL chợ phối hợp với các ngân hàng in mã QR tặng cho các tiểu thương để thanh toán không dùng tiền mặt. Sắp tới, BQL chợ phối hợp với Sở Thông tin Truyền thông Quảng Trị triển khai một số gian hàng trên các sàn thương mại điện tử cho các tiểu thương.
Ngoài Cổng thông tin điện tử và Cổng dịch vụ công trực tuyến, đến nay Quảng Trị đã thiết lập Cổng thông tin phản ánh hiện trường (Quảng Trị IOC) nhằm giúp người dân được tham gia vào cùng cơ quan nhà nước giải quyết vấn đề của địa phương với chính quyền.
Đến cuối năm 2023, Quảng Trị phấn đấu đạt 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính được số hóa, trên 60% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến, trên 30% người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến từ nhà.
Ngày 6-6, Công ty TNHH Thủy sản Công nghệ cao Việt Nam (AAVN) trực thuộc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam tổ chức lễ bàn giao “công trình đường ống dẫn nước sạch” cho người dân thôn Thâm Khê, xã Hải Khê, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.