Chiều 14.9, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Quảng Nam cho biết đơn vị vừa phối hợp các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh và Công an H.Phú Ninh tiếp tục truy quét, đẩy đuổi nhiều người ra khỏi bãi vàng Bồng Miêu (tại xã Tam Lãnh, H.Phú Ninh).
Gần 50 cán bộ, chiến sĩ chia thành 3 tổ công tác truy quét tại các khu vực Hố Gần, Núi Kẽm, bãi thải, trạm nghiền...
Lực lượng công an đã phá hủy 7 máy xay đá, 5 máy nổ, 31 lán trại, 10 hố ngâm ủ quặng, 62 bao vôi, 5 bao than hoạt tính, hơn 1.200 m ống dẫn nước, hơn 1.100 m dây điện cùng nhiều công cụ thô sơ khác. Đồng thời, đẩy đuổi 20 người khai thác vàng trái phép ra khỏi địa bàn.
Trước thời điểm truy quét, Công an tỉnh và chính quyền địa phương đã tuyên truyền liên quan đến việc đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu để phục hồi, tái tạo môi trường rừng (bị hủy hoại do khai thác vàng trái phép). Đợt truy quét lần này nhằm đẩy đuổi và xử lý nghiêm những "vàng tặc" vẫn ngoan cố.
Sau đợt truy quét, ổn định định bàn, Công an tỉnh Quảng Nam, chính quyền địa phương bàn giao địa bàn cho Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam và đơn vị thi công để thực hiện dự án đóng cửa mỏ khoáng sản (quặng vàng) trong thời gian sớm nhất.
Liên quan đến việc xử lý các điểm khai thác vàng trái phép trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Quảng Nam giao Công an tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện Phú Ninh, Đông Giang chỉ đạo lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, truy quét các tụ điểm khai thác khoáng sản vàng trái phép; tiêu hủy, tịch thu toàn bộ công cụ, phương tiện tham gia hoạt động khai thác vàng trái phép.
Bên cạnh đó, UBND Quảng Nam yêu cầu điều tra, xác minh các nghi phạm đứng đầu tổ chức khai thác vàng trái phép và xử lý nghiêm, kiên quyết đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm; trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì truy cứu trách nhiệm hình sự.
UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đóng cửa mỏ khoáng sản quặng vàng tại mỏ Bồng Miêu.
Mục tiêu của việc đầu tư đóng cửa mỏ khoáng sản quặng vàng tại mỏ Bồng Miêu (diện tích 368 ha) là để phục hồi các khu vực đã khai thác, các bãi thải, đập thải và các công trình phụ trợ khai thác, tuyển và luyện quặng vàng về trạng thái an toàn; cải tạo, phục hồi môi trường sau khi kết thúc khai thác, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản.
UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu bịt kín và xây tường chắn cửa lò chính, đánh sập các cửa lò khai thác trái phép; tháo dỡ công trình trên bề mặt, san lấp mặt bằng, thu gom xử lý chất thải, xử lý môi trường và trồng cây, trồng cỏ cải tạo môi trường và giám sát môi trường sau khi kết thúc đóng cửa mỏ.
Kinh phí để đóng cửa mỏ gần 19,5 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh (bao gồm nguồn ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường của doanh nghiệp đã thu hồi vào ngân sách tỉnh). Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 - 2024.