Đây là nhận định được các chuyên gia đưa ra tại Hội nghị sơ kết sản xuất, trồng trọt vụ Hè Thu, Thu Đông, năm 2023 và triển khai kế hoạch vụ Đông Xuân 2023-2024 vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ngày 14/9.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm nay, tổng diện tích trồng lúa tại miền Tây trên 3,8 triệu ha, năng suất gần 6,3 tấn mỗi ha, tổng sản lượng gần 24 triệu tấn, tăng 416.000 tấn so với năm trước.
Hiện còn 400.000 ha lúa Thu Đông chuẩn bị thu hoạch. Vụ Đông Xuân 2023-2024 sắp tới sẽ bắt đầu xuống giống từ đầu tháng 10 đến đầu tháng 1/2024, chia thành 4 đợt với tổng diện tích gần 1,5 triệu ha, năng suất dự kiến hơn 7,2 tấn mỗi ha, tổng sản lượng trên 10,6 triệu tấn.
8 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt gần 6 triệu tấn, trị giá gần 3,2 tỷ USD, tăng hơn 34%. Kết quả này cho thấy lượng gạo xuất khẩu tăng 20%, hoàn thành 89% kế hoạch năm, riêng phần giá trị tăng 34%.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, dự báo những tháng tới, nhu cầu tiêu thụ gạo của thị trường thế giới khá cao do nguồn cung hạn hẹp bởi lệnh cấm xuất khẩu từ Ấn Độ. Indonesia có nhu cầu nhập gạo số lượng lớn; Philippines khả năng giảm thuế nhập khẩu từ 35% xuống còn 10%.
"Nguồn cung xuất khẩu gạo của Việt Nam không còn dồi dào", ông Tùng nói và nhận định do đó giá lúa vẫn có nhiều khả năng giữ ở mức cao như hiện nay cho đến khi Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu.
Ông Nguyễn Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Đông (một trong những đơn vị xuất khẩu gạo hàng đầu Việt Nam), cho biết từ năm 2019 đến nay, chúng ta không còn giải cứu lúa gạo. Giá lúa từ 3.000-4.000 đồng tăng lên 7.000-8.000 đồng mỗi kg.
Một trong những lý do quan trọng là Việt Nam đã hướng đến sản xuất lúa gạo chất lượng cao. Từ đó đến nay, hầu như chúng ta không đủ gạo để bán. Hiện gạo Việt Nam chiếm 80% thị trường Philippines do chất lượng nâng cao và được người dân nước này ưa chuộng. Sản lượng gạo nhập khẩu của Philippines tăng gấp đôi trong 4 năm, từ 1,8 lên 3,6 triệu tấn.
"Hiện gạo là sản phẩm thiết yếu; nhiều nước không sản xuất được trong khi nhu cầu ngày càng cao", ông Việt Anh nói và dự báo đơn cử như Ấn Độ sẽ không dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo cho tới năm sau. Do nước này đang có lượng mưa thấp, việc dự trữ tốt và năm 2024 diễn ra bầu cử.
Doanh nhân này cho rằng gạo Việt chất lượng cao, thơm ngon, thậm chí vượt trội hàng Thái Lan, đang trong tình trạng thiếu nguồn để bán. Tuy nhiên, thực tế đang nổi lên vấn đề là đứt gãy chuỗi liên kết ngoài đồng. Tình trạng bẻ kèo, bán sang tay diễn ra phổ biến và chưa có hành lang pháp lý chế tài. Vì thế các doanh nghiệp không đủ nguồn xuất khẩu theo hợp đồng, thua lỗ, phá vỡ hợp đồng, ảnh hưởng uy tín quốc gia.
"Vì thế, từ nay đến cuối năm, Việt Nam cần cân đối nguồn cung để đảm bảo việc xuất khẩu hiệu quả, doanh nghiệp, nông dân cùng có lợi...", ông Việt Anh nói.
Còn ông Nguyễn Ngọc Nam – Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho biết theo tính toán, cân đối sản lượng hàng hóa của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, từ giờ tới cuối năm, Việt Nam tiếp tục xuất 1,2 triệu tấn gạo là trong tầm tay của các doanh nghiệp.
Hiện là thời điểm các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhen nhóm đàm phán với khách hàng cho năm tới nên rất quan tâm đến thời điểm xuống giống, thu hoạch, cơ cấu giống vụ Đông Xuân 2023-2024. Thị trường thì Philippine vẫn là số 1, chiếm 40%. Trung Quốc gần đây nhập chậm lại do giá cao nhưng nước này đang thất mùa nên sẽ nhập gạo nhiều trong thời gian tới.
Theo ông Nam, vụ Thu Đông còn 400.000 ha chưa thu hoạch và theo kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, vụ Đông Xuân tới tiếp tục tập trung thế mạnh là sản xuất các giống lúa thơm, chất lượng cao. "Vụ này sẽ xuống giống từ ngày 10/10, trong tháng 1/2024 đã có gạo cho xuất khẩu", ông Nam nói và cho rằng đây là điều kiện thuận lợi cho nguồn gạo xuất khẩu.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, Lê Quốc Điền - cho biết địa phương có 189.000 ha đất sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2023-2024. Trước tình hình sản xuất, tiêu thụ thuận lợi, nông dân đang rất háo hức xuống giống sớm để bán được giá cao. Do đó, có khoảng 100.000 ha lúa sẽ cho thu hoạch trước Tết Nguyên đán 2024.
Ông Hoàng Trung - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết năm nay, xuất khẩu gạo sẽ đạt kỷ lục. "Để đón lấy cơ hội giá cao như hiện nay, các địa phương trong vùng cần bảo vệ tốt diện tích lúa Thu Đông chuẩn bị thu hoạch, tập trung xuống giống vụ Đông Xuân theo định hướng đề ra" thứ trưởng lưu ý.
An Bình