Liên tiếp từ đầu tuần, 3 báo cáo mới nhất về nhu cầu dầu thế giới đã được các tổ chức lớn công bố gồm: Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Các báo cáo đều nhận định giá dầu sẽ duy trì ở mức cao, bất chấp những cơn gió ngược như lạm phát hay lãi suất tại nhiều quốc gia vẫn giữ ở mức cao.
Biểu đồ trên cho thấy dự báo nhu cầu dầu toàn cầu đều sẽ dao động quanh 102 triệu thùng/ngày trong quý IV/2023. Điểm chung đầu tiên của cả 3 báo cáo năng lượng là đều dự báo tình trạng thâm hụt trên thị trường dầu quý cuối năm, trong đó OPEC dự báo mức thâm hụt mạnh nhất gần 3 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, dự kiến tăng trưởng nguồn cung bù đắp cho các quốc gia ngoài OPEC cũng chỉ bằng một nửa mức thâm hụt, đạt trung bình khoảng 1,6 triệu thùng/ngày trong quý IV.
Cung sụt giảm dẫn tới việc kho dự trữ dầu của nhiều nền kinh tế cũng giảm theo. Việc Nga và Saudi Arabia gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng tự nguyện đến hết năm nay đã và đang đẩy giá dầu Brent Biển Bắc lên mức cao nhất 10 tháng qua.
"Từ cuối tháng 6 tới nay, giá dầu đã tăng hơn 30% và cũng là đợt tăng giá mạnh nhất kể từ khi cuộc xung đột tại Biển Đen diễn ra. Nguyên nhân chính là do lo ngại về nguồn cung, trong bối cảnh các nước sản xuất lớn đều có kế hoạch cắt giảm sản lượng. Các báo cáo mới nhất về thị trường dầu trong tháng 9 cũng chỉ ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong 4 tháng cuối năm nay", ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam, cho biết.
Hiện các dự báo đều cho rằng, xét trên tình hình cung cầu hiện nay, nếu không có sự đứt gãy đột ngột nào về nguồn cung, giá dầu Brent từ nay đến cuối năm vẫn sẽ dao động quanh mức 90 USD/thùng.
"Với cán cân cung cầu hiện tại, giá dầu Brent có thể sẽ tiếp tục hướng về vùng 100 USD/thùng và có thể đạt được ngay trong giai đoạn cuối tháng 9, hoặc đầu tháng 10. Tuy nhiên, khi bước vào quý IV, thị trường đang kỳ vọng sẽ có sự bổ sung về nguồn cung, chủ yếu tới từ các nước ngoài OPEC, đặc biệt là Mỹ. Ngoài ra, việc nhu cầu dầu bị hạ dự báo cho thấy bối cảnh kinh tế vĩ mô ảm đạm vẫn sẽ là yếu tố chống lại đà tăng của giá dầu. Do đó tôi cho rằng giá dầu sẽ khó tăng nóng, thậm chí có thể hạ nhiệt vào cuối năm, nếu triển vọng tiêu thụ vẫn ở mức thấp. Dự báo giá dầu sẽ chủ yếu dao động trong khoảng 90 - 100 USD/thùng trong ngắn hạn và trong khoảng 80 - 105 USD/thùng trong quý IV năm nay", ông Phạm Quang Anh cho biết thêm.
Nguy cơ giá dầu tiếp tục leo thang sẽ tăng áp lực lạm phát, buộc các Ngân hàng Trung ương trên thế giới phải duy trì các chính sách tiền tệ thắt chặt như hiện nay. Số liệu mới nhất cho thấy, lạm phát tại nền kinh tế lớn nhất thế giới - Mỹ, đã tăng 2 tháng trở lại đây do giá nhiên liệu tăng.
VTV.vn - Giá dầu tăng cao trong bối cảnh đà hồi phục của các nền kinh tế chưa đạt như kỳ vọng khi những thông tin bất lợi mới về nguồn cung đang tạo ra nhiều sức ép lên thị trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.48860006141903202-gnuht-dsu-001-gnougn-iot-gnouh-eht-oc-uad-aig/et-hnik/nv.vtv