Đó là thông tin được ông Tống Đức Tiến, Trưởng phòng Cấp phép xây dựng, Sở Xây dựng TP.HCM đưa ra tại buổi họp báo kinh tế - xã hội TP.HCM, chiều 14.9.
Theo ông Tiến, ngay từ đầu năm 2020, Sở Xây dựng TP.HCM đã ban hành văn bản hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân về trình tự đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, người lao động thuê trên địa bàn TP.HCM.
Theo đó, đối với các công trình thuộc diện phải thẩm duyệt thiết kế PCCC, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng sẽ đối chiếu thiết kế thẩm duyệt PCCC với thiết kế xây dựng công trình, để đảm bảo phù hợp về PCCC .
Trường hợp không thuộc diện phải thẩm duyệt thiết kế PCCC, công trình có quy mô nhỏ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng đánh giá việc tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn PCCC cho nhà và công trình. Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà cơ quan cấp giấy phép xây dựng gửi văn bản lấy ý kiến phối hợp Cảnh sát PCCC theo phân cấp góp ý kiến đối với thiết kế xây dựng tại hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng.
"Trường hợp không thuộc diện thẩm duyệt PCCC, nhưng chủ đầu tư phải tuân thủ theo những quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC trong xây dựng, đặc biệt là hành lang, lối thoát hiểm", đại diện Sở Xây dựng TP.HCM nhấn mạnh.
Ngoài ra, về việc tăng cường kiểm soát công tác thẩm định, cấp phép xây dựng đối với các công trình thuộc đối tượng thẩm duyệt về PCCC, ông Tiến cho hay, UBND TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo về vấn đề quản lý xây dựng loại hình phát triển nhà ở cho công nhân, người lao động.
Theo đó, UBND TP.HCM chỉ đạo các sở ngành, UBND các quận, huyện trong công tác quản lý, cấp giấy phép xây dựng phải thực hiện theo đúng hướng dẫn của Sở Xây dựng TP.HCM để đảm bảo an toàn, kết cấu chịu lực công trình khi chuyển đổi từ nhà ở riêng lẻ của cá nhân sang nhà cho thuê. Bên cạnh đó, UBND TP.HCM có ban hành văn bản về tăng cường thẩm định cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình thuộc đối tượng phải thẩm duyệt PCCC.
"Khi thay đổi mục đích nhà ở, về công năng chức năng, nhu cầu thiết kế, sử dụng của người thuê nhà sẽ có thay đổi và tăng lên, do đó vấn đề an toàn, chất lượng công trình và PCCC phải được tuân thủ theo quy định của Sở Xây dựng TP.HCM", ông Tiến cho hay.
Cũng tại buổi họp báo, trả lời phóng viên về câu hỏi "sẽ xử lý các chung cư sai phép ra sao?", ông Lý Thanh Long, Chánh thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, đối với các công trình sai phép đang xây dựng sẽ xử lý vi phạm theo Khoản 5, Khoản 6 Điều 16 Nghị định 16 về quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.
Đối với các công trình sau khi nghiệm thu xong mới bắt đầu cơi nới, xây dựng không phép sẽ xử lý theo Khoản 7, Điều 16 Nghị định 16 về quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.
Ông Lý Thanh Long cho hay, về quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, TP.HCM cũng đã có quy định quy chế phối hợp về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố. UBND quận, huyện chịu trách nhiệm kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý đối với nhà ở riêng lẻ, công trình xây dựng do UBND cấp huyện cấp giấy phép xây dựng. Sở Xây dựng TP.HCM phối hợp UBND quận, huyện kiểm tra, lập hồ sơ xử lý theo quy định về các công trình nhà ở riêng lẻ vi phạm.