Thai phụ đã qua cơn nguy kịch
Chiều 14-9, bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Trinh, Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam đã chia sẻ với Tuổi Trẻ Online câu chuyện làm bà cảm thấy xúc động.
Lúc 2h30 cùng ngày, bác sĩ Trinh nhận tin bệnh viện, thai phụ H.T.T (41 tuổi, người dân tộc thiểu số huyện Nam Trà My, Quảng Nam) được chuyển tuyến vào viện.
Thai phụ mang thai lần 8, thai khoảng 24 tuần, được các bác sĩ chẩn đoán nhau bong non thể nặng, con chết, thiếu máu nặng, rối loạn đông chảy máu, tiểu cầu chỉ còn 37.000, tình trạng nguy kịch.
Bình thường tiểu cầu trên 100.000, nếu tiểu cầu thấp như vậy sẽ bị rối loạn đông chảy máu.
Bác sĩ Trinh vội vã lên bệnh viện với ý nghĩ đầu tiên là ghé Khoa Huyết học để tìm người hiến tiểu cầu.
Biết ngân hàng có máu ứng chiến sẵn nhưng tiểu cầu thì không có ngay, vì có được 2 đơn vị tiểu cầu thì mới thực hiện ca mổ, trong khi tiểu cầu của thai phụ thấp, tình trạng quá mong manh.
May mắn, khoa Huyết học đã tìm được người hiến tiểu cầu. 3h sáng là giờ ngủ ngon giấc, nhưng một nam giáo viên ở TP Tam Kỳ đã tức tốc đến bệnh viện để lấy máu lọc tiểu cầu để chuyền cho thai phụ.
Sau khi có tiểu cầu, bác sĩ Trinh cùng ê kíp của bệnh viện lập tức thực hiện ca phẫu thuật mổ lấy thai, sau đó cắt tử cung, truyền máu, huyết tương tươi đông lạnh và tiểu cầu nên các chức năng đông máu đã đỡ rối loạn.
"Thai phụ đang nằm hồi sức, hiện tại dấu sinh tồn ổn định, đã qua cơn nguy kịch", bác sĩ Trinh kể.
Ấn tượng với hành động đầy ắp tình người của nam giáo viên, bác sĩ Trin đã xin số điện thoại nhắn tin cám ơn nhưng chỉ nhận được một tin nhắn thật khiêm tốn từ nam giáo viên: "Chắc ai ở vào hoàn cảnh như em cũng làm như vậy thôi".
Gần 50 lần hiến máu, tiểu cầu cứu người, có lúc nửa đêm, rạng sáng
Câu chuyện được bác sĩ Trinh đăng tải trên facebook cá nhân nhận được nhiều lời tán dương dành tặng cho người giáo viên và êkip y bác sĩ.
"Mình chỉ biết nói lời cám ơn những chiến binh thầm lặng như bạn ấy đã cùng với nhân viên y tế ngày đêm chiến đấu giành lại sự sống cho người bệnh, đúng câu nói một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại", bác sĩ Trinh chia sẻ.
Được biết người đã tức tốc đến bệnh viện hiến tiểu cầu là anh Nguyễn Anh Tỉnh (43 tuổi), giáo viên môn Thể dục trường THPT Trần Cao Vân, TP Tam Kỳ.
Anh Tỉnh chia sẻ từ thời còn sinh viên mình đã tham gia hiến máu tình nguyện để cứu người. Sau đó tham gia câu lạc bộ Máu nóng Quảng Nam, đến giờ gần 50 lần anh hiến máu, tiểu cầu.
2h45 sáng nay, khi nhân viên khoa Huyết học gọi điện, anh đang ngủ. Nghe hai chữ "gấp lắm", anh bật dậy ngay rồi tức tốc chạy xe đến bệnh viện.
"Vào làm thủ tục xét nghiệm, sàng lọc bệnh, sau đó hiến tiểu cầu, xong xuôi cũng phải đến 5h sáng. Dù người mệt nhưng nghe ca phẫu thuật cho thai phụ thành công, mình vui lắm", anh Tỉnh tâm sự.
18 năm tham gia hiến máu tình nguyện, đã rất nhiều lần vào lúc nửa đêm, rạng sáng, khi bệnh viện cần máu, tiểu cầu gấp cứu bệnh nhân, anh đều chạy đến.
Anh kể máu thì có trữ sẵn ở bệnh viện chứ tiểu cầu là tách trực tiếp, nên khó tìm người hiến được. Giấc ngủ bỏ dỡ, nhưng vui hơn khi thấy người bệnh được cứu sống từ giọt máu, tiểu cầu của mình cho đi, thấy mình còn có ý nghĩa.
Năm 2022, anh đã được chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào hiến máu tình nguyện năm 2021.
Ở nhà chống dịch vẫn ý nghĩa, nữ người mẫu truyền năng lượng tích cực đến mọi người khi đăng ký hiến tiểu cầu, lên đồ chụp ảnh hay nấu ăn mỗi ngày.