Chiều 14/9, TP HCM tổ chức "CEO 100 Tea Connect" - chương trình gặp gỡ 100 lãnh đạo doanh nghiệp, tổ chức, địa phương trong và ngoài nước thông qua chiêu đãi trà đặc sản, thuộc khuôn khổ "Diễn đàn Kinh tế TP HCM 2023". Đây là lần đầu tiên TP HCM tổ chức gặp gỡ, kết nối doanh nghiệp theo sáng kiến "tiệc trà".
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết thành phố đang đối diện với những thách thức như biến đổi khí hậu, ùn tắc giao thông, thiếu hụt nhân lực, tác động của tính chu kỳ trong phát triển kinh tế. Để giải quyết, thành phố đang tiến hành tái cơ cấu, xác định kinh tế xanh là động lực tăng trưởng giai đoạn tới.
Nhiều tổ chức, doanh nghiệp quốc tế bày tỏ nguyện vọng sẵn sàng đầu tư và chia sẻ kinh nghiệm. Ông Han Sang Deog, Phó tổng giám đốc điều hành Samsung Engineering Việt Nam nói từ lâu đã quan tâm, xem xét đầu tư vào lĩnh vực xử lý nước thải và đốt rác phát điện tại TP HCM.
Công ty ông cũng đề xuất chiến lược mang tên "Tổ hợp môi trường tích hợp". Đây là khu phức hợp môi trường kinh tế tuần hoàn, gồm cả xử lý nước, chất thải và khí sinh học, sử dụng năng lượng tự sản xuất mà không cần sử dụng đến nguồn năng lượng bên ngoài.
Theo ông Han Sang Deog, từ giai đoạn lập kế hoạch, các cơ quan liên quan và Samsung cần làm việc cùng nhau để tìm ra giải pháp tối ưu. "Khi nhận được sự hỗ trợ về chính sách từ chính phủ, chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ chuỗi giá trị dựa trên việc giới thiệu, ứng dụng công nghệ, thực hiện đầu tư và cung cấp giải pháp cấu trúc tài chính, thiết kế, thi công và quản lý vận hành", ông cho biết.
Ông Gabor Fluit, Chủ tịch Euro Charm cho biết Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD), Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) đang tạo ra cơ hội lẫn áp lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này. Vì vậy, tổ chức sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp tìm ra cách thực hành tuân thủ.
"Chúng tôi mong muốn hỗ trợ thông qua chuyển giao công nghệ, chia sẻ mô hình, xây dựng năng lực cho các dự án, từ đó giúp TP HCM trở thành trung tâm xuất khẩu vào EU", ông Gabor Fluit nói. Những tháng tới, EuroCham sẽ tổ chức một loạt hoạt động để hỗ trợ doanh nghiệp Việt thích ứng với EGD.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Tổng giám đốc công ty Cơ điện lạnh REE cũng cho rằng TP HCM chưa theo kịp nhu cầu nền kinh tế tuần hoàn và kỳ vọng các dự án của công ty tại đây được xem xét nhanh hơn.
Theo đó, REE đang chờ đến 18 tháng mới có thể xác định địa điểm cho nhà máy đốt rác lấy điện công suất 2.000 tấn mỗi ngày. "Chúng tôi có thể đầu tư điện mặt trời trên tất cả mái nhà công sở, trường học, bán điện cho thành phố như giá điện lực" bà Thanh nói. Đề xuất đã đưa ra 3 năm trước nhưng chưa được xem xét.
Một số ngân hàng quốc tế cũng tìm kiếm cơ hội giải ngân tài chính "xanh" (vốn cho vay phục vụ các dự án phát triển bền vững) ở TP HCM. Bà Tracy Wong Haris, Phụ trách tài chính bền vững tại châu Á của Standard Chartered cho hay nhà băng có ngân sách dồi dào cho lĩnh vực đổi mới sáng tạo bền vững và mong muốn được đồng hành với thành phố để giải ngân nguồn quỹ này.
Còn theo ông Ramachandran A.S, Tổng giám đốc ngân hàng Citi Việt Nam, TP HCM là trung tâm cho tài chính xanh, với nhiều công ty đa quốc gia hiện diện tại đây có cam kết tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, khu vực tư nhân còn thiếu nhiều vốn cho kinh tế xanh. "Chúng tôi có kế hoạch cung cấp tài trợ trung và dài hạn cho các dự án xanh, đảm bảo gia tăng tính cạnh tranh cho các nhà sản xuất", ông nói.
Dẫu vậy, để thực sự thu hút tốt các nguồn đầu tư bền vững và giúp doanh nghiệp yên tâm đóng góp phát triển kinh tế xanh, các chuyên gia đưa ra loạt kinh nghiệm và khuyến nghị.
Ông Ricardo Valente, Ủy viên hội đồng thành phố về kinh tế và tài chính thành phố Porto (Bồ Đào Nha) đề xuất TP HCM đặt hàng bài toán kinh doanh tuần hoàn để các doanh nghiệp tham gia. Theo đó, giải pháp nào tốt sẽ được chọn. Ngoài ra, miễn giảm thuế cũng là cách khuyến khích. "Chúng tôi đã xây dựng chỉ số môi trường, miễn giảm thuế cho các công ty đáp ứng các chỉ số này", ông ví dụ.
Ông Ichisaka Hirofumi, Giám đốc quan hệ quốc tế tỉnh Osaka (Nhật Bản), cho biết năm 1973, đây là tỉnh đầu tiên triển khai mô hình quản lý doanh nghiệp có quy định rõ về yếu tố môi trường. Nhờ vậy, nơi đây trở thành tiên phong vượt qua các vấn đề ô nhiễm và duy trì tăng trưởng ổn định.
Trước mắt, nhiều doanh nghiệp cho rằng TP HCM cần có đề xuất với bộ ngành trung ương xây dựng các bộ tiêu chuẩn, tiêu chí thế nào là "xanh" một cách cụ thể cho các lĩnh vực ngành nghề.
"TP HCM nên cùng các hiệp hội, ban ngành cùng đóng góp xây dựng các tiêu chí, hàng rào pháp lý xanh hóa ngành dệt may", ông Phạm Văn Việt, CEO Việt Thắng Jean, Phó chủ tịch Hội Hội Dệt May Thêu Đan TP HCM nói.
Tương tự, ông Lê Anh, Giám đốc phát triển bền vững của công ty Nhựa tái chế Duy Tân kỳ vọng thành phố có cơ quan đầu mối hỗ trợ giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp lĩnh vực tái chế. "Chúng tôi cũng cần bộ quy chuẩn cho sản phẩm tái chế, và tiêu chuẩn an toàn sản phẩm tái chế", ông nói. Standard Chartered thì muốn Ngân hàng Nhà nước tạo môi trường thuận lợi hơn cho tài chính xanh.
Theo ông Phan Văn Mãi, đầu tàu kinh tế của đất nước đang phác thảo khung chiến lược xanh đến 2030, tầm nhìn 2050, xác định người dân và doanh nghiệp là trung tâm chuyển đổi, tập trung 4 nội dung:
Một là nguồn lực xanh gồm nhân lực trình độ cao, tài chính xanh và hợp tác quốc tế. Hai là hạ tầng xanh, gồm chuyển đổi năng lượng, tiết kiệm nước, tuần hoàn tài nguyên. Ba là hành vi xanh trong tiêu dùng, giao thông, xây dựng. Và bốn là các ngành nghề, lĩnh vực tiên phong chuyển đổi xanh như sản xuất công nghệ cao, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, nông nghiệp, thực phẩm và đưa huyện Cần Giờ thành địa phương xanh, tức trung hòa carbon vào 2035.
Do đó, ông Mãi cho biết hiện TP HCM có một số nhóm vấn đề lớn rất cần đề xuất của các chuyên gia, doanh nghiệp. Một là chuyển đổi năng lượng. Hiện mỗi ngày nơi đây tiêu thụ khoảng 90 triệu kWh, nguồn cung chủ yếu từ bên ngoài và nhiệt điện, điện sạch chỉ 7,6%. Mục tiêu TP HCM đến 2025 đạt 25% và 2030 đạt 35-40% điện sạch. Vấn đề đặt ra là chính sách, thể chế, vốn và công nghệ.
Hai là giao thông xanh. Hệ thống giao thông nội đô đang bị chi phối bởi phương tiện cá nhân, chủ yếu là xe máy. TP HCM có 777 xe máy và 81 ôtô trên 1.000 dân vào 2019 và vấn đề là cần giảm phương tiện cá nhân.
Ba là xử lý rác thải, nước thải. Hàng ngày, TP HCM thải ra khoảng 9.500 tấn chất thải rắn, rác sinh hoạt bình quân 0,98 kg mỗi người một ngày. Vấn đề đặt ra vẫn là chính sách, vốn và công nghệ. Và bốn là tín chỉ carbon. Nghị quyết 98 cho phép thành phố được thí điểm giao dịch tín chỉ carbon nhưng cần chuyên gia tư vấn về pháp lý, mô hình thí điểm, cách làm.
Chủ tịch TP HCM cho biết những ý kiến đóng góp tại "tiệc trà" sẽ được thành phố tiếp thu để hoàn thiện khung chiến lược phát triển xanh đến năm 2030, tầm nhìn 2050 trong tháng 9 này. "Chúng tôi cũng sẽ đề xuất ban hành các quy chuẩn trên nghiên cứu các quy chuẩn quốc tế chi phối các hoạt động sản xuất, tiêu dùng, phát triển xanh", ông cho biết thêm.
Viễn Thông