Theo hãng tư vấn Mintel Group, kể từ đầu năm nay, nhóm người tiêu dùng sinh sau năm 1995 đã chi tiêu nhiều hơn cho các mặt hàng như vé xem phim, dịch vụ làm đẹp, quán bar hay sự kiện thể thao. Khoảng 40% người được hỏi cho biết họ tiêu nhiều tiền hơn cho lĩnh vực giải trí so với các mảng thiết yếu khác như quần áo trong tháng 8.
Nhà phân tích nghiên cứu cấp cao Blair Zhang của Mintel cho hay: “Chi tiêu của người trẻ đang dựa theo trải nghiệm, từ đi xem phim, tham quan triển lãm đến tập thể dục ngoài trời. Đây là những hoạt động phổ biến mà Gen Z lựa chọn sau Covid.”
Giới trẻ Trung Quốc đang được coi là “chìa khoá” để thúc đẩy thị trường tiêu dùng của nước này. Tuy nhiên, do nền kinh tế gặp khó khăn sau Covid và nhiều doanh nghiệp hạn chế tuyển dụng, nên tỷ lệ thất nghiệp của nhóm 16 đến 24 tuổi đã đạt mức kỷ lục 22% vào tháng 6.
Song, thay vì cắt giảm chi tiêu, người tiêu dùng Gen Z đánh giá lại những mối ưu tiên của họ. Nhiều người thì chi tiêu mạnh cho những trải nghiệm có chi phí vừa phải, thay vì mua hàng hoá đắt tiền hay hướng đến các mục tiêu tài chính dài hạn hơn như tiết kiệm hay mua nhà.
Dù du lịch nước ngoài nằm ngoài khả năng của nhiều người, nhưng các địa điểm trong nước cũng đang đón rất nhiều du khách. Hơn nữa, doanh thu các rạp chiếu phim của Trung Quốc cũng đang lập kỷ lục.
Yang Zhifeng, 22 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học, từng thấy chán nản và quyết định không tìm việc vì thấy hàng trăm ứng viên nộp đơn cho 1 vị trí nhân viên văn phòng. Dù mới lấy bằng tốt nghiệp, nhưng cô vẫn lựa chọn làm nhân viên lễ tân part time tại 1 ký túc xá ở Thượng Hải với mức lương 1.000 NDT (137 USD)/tháng.
Dẫu vậy, Yang chia sẻ cô vẫn chi tiền để đi du lịch, tham gia các sự kiện triển lãm truyện tranh và cùng bạn bè đến những nhà hàng mới. Cô nói: “Khi thị trường lao động ảm đạm như vậy, tại sao chúng tôi lại phải chịu cảnh khó khăn? Đây là thời điểm tốt để suy nghĩ xem đâu là lối sống phù hợp và giúp bản thân hạnh phúc.”
Savannah Li, 23 tuổi, cũng đồng tình rằng điều quan trọng là phải biết quan tâm đến bản thân.
Li cho biết, cảm giác hồi hộp khi làm điều này đã khiến cô thấy thoải mái, muốn “tận hưởng cuộc sống ở thời điểm hiện tại”. Cô cũng chia sẻ mình không ngại chi 1.000 NDT để mua một chiếc váy dù đang chưa tìm được việc làm.
Zak Dychtwald, nhà sáng lập công ty nghiên cứu xu hướng Young China Group, cho biết số lượng Gen Z Trung Quốc muốn “nằm yên mặc kệ sự đời” đã tăng lên trong 18 tháng qua, khi thị trường lao động quá cạnh tranh.
Theo Bloomberg Intelligence, người dân Trung Quốc vẫn chi tiêu cho các lĩnh vực truyền thống, nhưng doanh số bán lẻ lại thấp hơn dự đoán. Các nhà bán lẻ đang đón lượng khách hàng trẻ nhiều hơn - từ Unilever đến Yum China, bày tỏ mối lo ngại vì họ phải sử dụng các chương trình chiết khấu, khuyến mãi để thúc đẩy doanh số.
Nhìn chung, dù chi tiêu mạnh nhưng một số thanh niên Trung Quốc vẫn thận trọng và thường tìm kiếm những lựa chọn mua sắm giá rẻ hơn.
Hãng bán lẻ đồ giá rẻ Trung Quốc, Miniso, mới đây ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu hàng quý ở đại lục đạt 40% so với năm trước trong quý III. Chiến dịch marketing mới nhất của họ là định vị mình là thương hiệu vui vẻ và quan tâm đến người tiêu dùng. Phó chủ tịch kiêm giám đốc marketing Robin Liu cho biết, sau Covid, người tiêu dùng Gen Z ở đại lục “coi trọng giá trị bản thân cũng như cảm xúc của họ hơn.”
Trong khi đó, nhãn hàng xa xỉ Coach, thuộc sở hữu của Tapestry (Mỹ), đã thực hiện các chiến dịch khuyến khích người trẻ thể hiện bản thân. Doanh thu trong quý gần đây nhất của Tapestry đã tăng 50% so với cùng kỳ năm trước dù hoạt động kinh doanh trên toàn cầu lại giảm nhẹ.
Song, những chiến dịch marketing khó có thể được triển khai mạnh hơn nếu lợi nhuận của các nhãn hàng sụt giảm.
Li, sinh viên mới tốt nghiệp và vẫn đang tìm việc, cho biết: “Nếu không tìm được một công việc ưng ý hay phải hạ tiêu chí xuống nữa, tôi cũng buộc phải chi tiêu ít hơn.”
Tham khảo Bloomberg