Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh sinh ngày 15-5-1959 tại Hà Nội. Tuy nhiên, trong giấy tờ lý lịch chính thức ghi ông sinh năm 1957 bởi ông từng khai thêm 2 tuổi để đủ tuổi được nhập ngũ khi xin đi bộ đội. Ông quê ở xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông là con trai của đại tướng Nguyễn Chí Thanh, cố chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Vị tướng có đủ "tầm - tài - tâm"
Trao đổi với Tuổi Trẻ, thượng tướng Võ Văn Tuấn - nguyên phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam - cho biết sự ra đi của thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là tổn thất rất to lớn bởi những công lao, đóng góp của ông cho Đảng, đất nước, quân đội, nhân dân trong giai đoạn còn công tác.
Đó là những công việc mà ông Năm Vịnh đã từng trải qua, phụ trách như tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo, thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách đối ngoại quốc phòng.
Trong đó ông Năm Vịnh có công lao trong gây dựng mối quan hệ giữa lực lượng quốc phòng ASEAN, điển hình là sáng kiến của Việt Nam tổ chức Hội nghị ADMM, sau này là ADMM+. Từ đó góp phần gìn giữ, củng cố hòa bình, gìn giữ mối quan hệ giữa lực lượng quốc phòng các nước.
Bên cạnh đó ông Năm Vịnh với uy tín cá nhân đã tích cực vận động các cá nhân có chức phận, trách nhiệm ở Mỹ và một số nước liên quan tích cực tham gia, phối hợp xử lý các vấn đề chất độc dioxin, bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam...
"Quan trọng nhất là anh Năm Vịnh đã cùng đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xây dựng được chiến lược quốc phòng và đối ngoại quốc phòng rất chuẩn và tầm nhìn xa. Đây là cơ sở để triển khai công tác đối ngoại quốc phòng của Việt Nam với các nước đi đúng hướng, giữ vững chắc hòa bình.
Trong đó có củng cố quan hệ quốc phòng với các nước có chung đường biên giới như Trung Quốc, Lào, Campuchia. Điển hình như giao lưu quốc phòng Việt - Trung từ năm 2014 đến nay đã nâng cấp từ cấp thứ trưởng lên bộ trưởng và tổ chức hằng năm. Chính điều này giúp đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam - Trung Quốc hiện nay rất mẫu mực... Đó là những đóng góp rất lớn của anh", thượng tướng Tuấn nêu rõ.
Qua quá trình công tác nhiều năm cùng nhau, ông Tuấn đánh giá ông Năm Vịnh thực sự là con người trí tuệ, tài năng, nhiệt huyết. "Đây là một vị tướng trọn vẹn ba chữ T là tầm - tài - tâm", ông Tuấn nhấn mạnh. Ông nhắc lại việc hai ông thường tranh luận các vấn đề trong công việc, cuộc sống để tìm ra cái chung, góp phần giúp xử lý mọi việc rất hiệu quả.
Với cuộc sống đời thường, ông Tuấn nói ông Năm Vịnh hết sức chân tình, giản dị, gần gũi, quan tâm giúp đỡ mọi người. Hai ông cùng là đồng hương Thừa Thiên Huế nên thường xuyên quần short, áo phông, đeo kính đi xe ôm, ra quán cóc vỉa hè ngồi ăn phở, uống cà phê, uống trà. Rồi những lúc có dịp hai ông lại người đàn, người ca hát hết sức vui vẻ.
"Dù là vị tướng tài nhưng ông sống rất tình cảm nên được mọi người yêu quý. Vì vậy sự ra đi của ông là mất mát, tổn thất rất lớn không gì bù đắp được", ông Tuấn nói. Ông Tuấn cho biết thêm sau khi nghỉ công tác, hai ông đã bàn bạc với nhau chuẩn bị làm một số việc như viết sách, làm phim với mục đích cung cấp các thông tin, tư liệu... "nhưng rất tiếc anh đã ra đi".
Người Việt Nam quyết định vận mệnh của mình
Khi còn tại thế, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã nhiều lần dành riêng cho Tuổi Trẻ các cuộc trao đổi về không ít vấn đề nóng.
Hai bài trong số những bài ông trả lời đã được trao giải báo chí quốc gia và giải báo chí TP.HCM.
Trong vấn đề Biển Đông, khi trả lời Tuổi Trẻ, ông nêu rõ phải xem xét trên những vấn đề về lịch sử, những tuyên bố về chủ quyền và lợi ích quốc gia. Ông chỉ rõ có ba điểm cơ bản là nguyên tắc giải quyết vấn đề lợi ích.
Thứ nhất, chủ quyền của mỗi nước. Đây là điểm bất di bất dịch, không thay đổi. Chúng ta muốn có hòa bình, muốn ổn định để phát triển nhưng cũng sẵn sàng chấp nhận tất cả để giữ được chủ quyền lãnh thổ.
Thứ hai, chia sẻ lợi ích. Chia sẻ chủ quyền lãnh thổ là không thể nhưng chia sẻ lợi ích có thể trở thành con đường giải quyết những khác biệt, tranh chấp.
Thứ ba, phải tuân thủ luật pháp quốc tế và không để các thế lực khác chen vào, can dự vào những vấn đề của chúng ta. Ông nhấn mạnh chúng ta không tham gia vào những xung đột lợi ích của các nước lớn và Việt Nam phải tránh mọi cuộc chiến tranh, trước hết là những xung đột trên Biển Đông. Nếu có chiến tranh, có xung đột sẽ là thảm họa của dân tộc và là bất hạnh cho từng gia đình.
Ông nhấn mạnh độc lập, tự chủ là vấn đề mang tính nguyên tắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, người Việt Nam phải tự giải quyết mọi vấn đề của mình, quyết định vận mệnh của mình, nhất quyết không được để bên ngoài quyết định. Đồng thời, theo ông, để đất nước phát triển, có thể có cách nghĩ khác nhau, cách làm khác nhau, tranh luận kịch liệt với nhau nhưng cuối cùng phải đạt được sự thống nhất về đường lối và hành động.
Ông Trương Triều Dương, nguyên đại sứ Việt Nam tại Philippines, bày tỏ sự tiếc thương với sự ra đi của thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. "Ông luôn quan tâm, lo lắng, có trách nhiệm với vấn đề an ninh của Việt Nam. Ông cũng là người rất cương quyết trong việc đấu tranh giữ gìn biển đảo của Tổ quốc, nhất là khu vực Biển Đông. Khi bàn về vấn đề này, ông đều đưa ra các ý tưởng rất hay", ông Dương nhận xét.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, XII. Ông cũng có học hàm giáo sư chuyên ngành khoa học quân sự, tiến sĩ chuyên ngành luật. Trưởng thành qua nhiều cương vị công tác trong ngành tình báo quốc phòng, ông từng giữ cương vị phó tổng cục trưởng rồi tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo quốc phòng. Sau đó, ông được bổ nhiệm làm thứ trưởng Bộ Quốc phòng từ tháng 3-2009.
Đến tháng 12-2021, ông được nghỉ công tác sau khi đã hoàn thành mọi nhiệm vụ chức trách của một người quân nhân đã cống hiến hết mình cho quân đội, cho đất nước.
Ghi nhận công lao đóng góp của thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Đảng và Nhà nước đã trao tặng ông nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Quân công hạng nhất, nhì, ba; Huân chương Chiến công hạng nhất, nhì, ba; Huân chương Độc lập hạng nhất; Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã từ trần vì bệnh hiểm nghèo, hưởng thọ 65 tuổi.