Mỗi thùng WTI hiện có giá 90,7 USD - lần đầu vượt mốc 90 USD kể từ tháng 11 năm ngoái. Dầu Brent cũng lên 94 USD - cao nhất từ đầu năm.
Giá dầu gần đây tăng liên tục do lo ngại nguồn cung bị thắt chặt. Hôm 5/9, Nga và Arab Saudi - hai nước dẫn đầu Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+), cùng thông báo gia hạn các biện pháp siết cung dầu đến hết năm nay. Theo đó, Arab Saudi tiếp tục giảm sản xuất 1 triệu thùng một ngày. Còn Nga giảm 300.000 thùng dầu xuất khẩu mỗi ngày.
Tuần này, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo động thái của Arab Saudi và Nga có thể gây ra "thiếu hụt nguồn cung đáng kể", từ đó khiến giá biến động mạnh. Báo cáo này được công bố chỉ một ngày sau khi OPEC+ cho biết thị trường sẽ thiếu hơn 3 triệu thùng dầu một ngày trong quý tới. Đây được cho là mức thiếu hụt lớn nhất hơn một thập kỷ.
Trong khi đó, nhu cầu tại Mỹ và Trung Quốc - hai nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới - vẫn mạnh. Xác suất Mỹ tránh được suy thoái ngày càng lớn. Tiêu thụ dầu tại Trung Quốc cũng ổn định bất chấp kinh tế đang đi xuống.
Từ cuối tháng 6, giá dầu thô thế giới đã tăng hơn 30%. Một số nhà phân tích đã bắt đầu dự báo giá WTI lên 100 USD một thùng.
Việc giá tăng sẽ có lợi cho các nền kinh tế sản xuất dầu. Arab Saudi cân bằng được ngân sách và Nga có thêm nguồn thu. Tuy nhiên, việc này lại làm phức tạp thêm nỗ lực chống lạm phát của các ngân hàng trung ương. Hôm 14/9, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã nâng lãi suất lên cao kỷ lục. Lãi suất tham chiếu tại Mỹ hiện cũng cao nhất 22 năm.
Hà Thu (theo Bloomberg)