Sáng 15.9, Thường trực HĐND TP.HCM tổ chức phiên giải trình "Công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn".
Tại phiên giải trình, đại biểu Lê Minh Đức, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM nêu thực tế UBND TP.HCM chỉ đạo các quận huyện tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự lòng đường, vỉa hè gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Tuy nhiên, thực tế vài hôm sau thì đâu lại vào đấy.
"Điều đó cho thấy TP.HCM và các địa phương chưa có giải pháp mang tính chiến lược, tổng thể, lâu dài", ông Đức nhìn nhận và đề nghị lãnh đạo TP.HCM nêu chiến lược, chính sách để giải quyết dứt điểm tình trạng này.
Một số đại biểu khác thì nêu thực trạng các tuyến đường ở Củ Chi, Bình Chánh đa phần nhỏ hẹp, chỉ đủ một làn xe ô tô nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông. Trong khi đó, thủ tục đầu tư lại kéo dài, có dự án tính từ khi HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư dự án đến khi thi công mất 2-3 năm.
Trao đổi với đại biểu, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường nói việc đầu tư hạ tầng giao thông được thành phố quan tâm nhưng hiện trạng vẫn chưa đáp ứng. Cụ thể, toàn TP.HCM có hơn 4.900 km đường bộ, mật độ đường giao thông 2,34 km/km2, tương đương 25% quy chuẩn. Tương tự, diện tích đất cho giao thông cũng chỉ 13%, tương đương 54% quy chuẩn.
Chưa kể, quá trình phát triển đô thị có tình trạng buôn bán, lấn chiếm, sử dụng lòng đường, vỉa hè. Các địa phương có chỉ đạo, ra quân nhưng hiệu quả chưa cao, chưa mang tính bền vững.
Ông Cường lý giải tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, như thành phố có đông dân cư, vì sinh kế mà người dân vẫn lấn chiếm, hay lý do chủ quan như vỉa hè chưa đồng bộ, nhiều nơi quản lý chưa chặt chẽ.
"Lãnh đạo địa phương chưa mạnh dạn xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường", ông Cường đánh giá.
Nêu giải pháp cho thực trạng này, ông Bùi Xuân Cường yêu cầu Ban An toàn giao thông đưa ra một số địa bàn để xử lý cho rõ trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu được giao nhiệm vụ để xảy ra vi phạm sử dụng lòng lề đường dẫn đến tai nạn giao thông.
Theo đó, nếu để xảy ra hậu quả thì chỉ xếp loại tối đa là hoàn thành tốt nhiệm vụ, đối với trường hợp nghiêm trọng thì xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ.
Đối với công tác đảm bảo an toàn giao thông nói chung, ông Cường cho biết thành phố sẽ tập trung nâng cao năng lực quản lý, xử phạt và điều phối giao thông; xử lý các hành vi là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc giao thông, đặc biệt xử lý nghiêm hành vi không chấp hành tín hiệu, đi xe trên vỉa hè, lấn đường.
Lãnh đạo TP.HCM cũng yêu cầu bố trí đủ lực lượng CSGT điều tiết giao thông vào khung giờ cao điểm tại các giao lộ phức tạp, nhất là 24 điểm ùn tắc giao thông, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và cảng Cát Lái – Phú Hữu. Ngoài giờ cao điểm, có thể huy động thêm thanh niên xung phong, dân quân tự vệ, lực lượng tình nguyện.
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, từ tháng 1.2022 đến tháng 6.2023 tình hình tai nạn giao thông vẫn phức tạp, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu không có các giải pháp quyết liệt và tích cực.
Trong năm 2022, trên địa bàn TP.HCM xảy ra 2.011 vụ, làm chết 630 người, bị thương 1.321 người, còn 6 tháng đầu năm 2023 xảy ra 779 vụ, làm chết 294 người. Tính đến cuối năm 2022, toàn TP.HCM còn 9 điểm đen tai nạn giao thông.
Cũng trong thời gian này, lực lượng CSGT và thanh tra giao thông xử phạt hàng trăm ngàn trường hợp vi phạm với tổng số tiền xử phạt gần 1.000 tỉ đồng. Cụ thể, CSGT TP.HCM xử phạt gần 604.000 trường hợp với tổng số tiền hơn 902 tỉ đồng; đồng thời phạt theo thủ tục không lập biên bản gần 72.000 trường hợp với tổng số tiền hơn 10 tỉ đồng.
Trong khi đó, Thanh tra Sở GTVT TP.HCM tập trung xử lý các bãi xe khách trung chuyển, xe khách trá hình, các điểm đón trả khách không đảm bảo an ninh trật tự, chở hàng quá tải. Tính chung trong 1 năm rưỡi, thanh tra giao thông xử phạt hơn 11.000 trường hợp với tổng số tiền 59 tỉ đồng.