Những thảm họa thiên nhiên, hay thảm họa hạt nhân từ lâu đã trở thành một nỗi hiểm nguy luôn khiến con người sợ hãi. Tuy nhiên, trong quá khứ cũng có không ít các thảm kịch chết người xảy ra mà "thủ phạm" lại hoàn toàn vô hình và không thể kiểm soát được, thảm họa Bhopal chính là một trong số đó.
Thảm kịch kinh hoàng
Rạng sáng ngày 03/12/1984, những cư dân sinh sống tại Bhopal, Ấn Độ bắt đầu ho. Ít lâu sau, khói bắt đầu bốc lên ở khắp nơi khiến mắt họ bắt đầu ngấn nước vì cay và họ bắt đầu phải thở hổn hển. Trong chốc lát, họ đã nôn mửa. Và chỉ trong vòng vài giờ sau đó, hàng ngàn người đều đã hít phải làn khói độc rồi qua đời.
Điều gì đã xảy ra?
Được biết, nguyên nhân gây ra thảm kịch này bắt nguồn từ việc trong không khí của người dân có chứa một lượng lớn khí gây chết người Methyl Isocyanate (MIC). Số lượng lớn khí độc này được cho là bắt nguồn từ một nhà máy thuốc trừ sâu UCIL thuộc Công ty Đa quốc gia Mỹ Union Carbide (UCC) đặt tại ngoại ô Bhopal.
Theo đó, vào đêm xảy ra sự việc, một lượng lớn nước được đưa vào thùng chứa 610, nơi đang chứa 42 tấn Methyl Isocyanate. Lập tức, phản ứng tỏa nhiệt xảy ra làm nhiệt độ bên trong thùng chứa vượt ngưỡng 200 °C khiến áp suất vượt quá mức mà thùng chứa có thể chịu được.
Bên cạnh đó, việc hệ thống làm lạnh bị vỡ và chưa được thay thế cũng như Hệ thống lọc vô tình bị tắt vào thời điểm đó cũng góp phần khiến cho MIC từ thể lỏng biến thành khí. Ngay sau khi phát hiện ra sự cố rò rỉ khí độc, các nhân viên tại nhà máy đã kích hoạt hệ thống cảnh báo cục bộ.
Tuy nhiên, họ lại không kích hoạt hệ thống cảnh báo công cộng ở thị trấn gần xung quanh, trong đó có Bhopal. Do vậy, nhiều người không hề biết đến việc rò rỉ MIC cho đến khi đám mây khí độc bao trùm lên họ.
Hậu quả gây ám ảnh
Sau khi những đám khói nồng nặc thoát ra, nó đã bao trùm mọi ngóc ngách và làm cho hơn 1.500 người chết ngay tại chỗ, 200.000 người bị ngộ độc, 36 khu vực được nhà chức trách đánh dấu là "chịu ảnh hưởng khí ga" với số dân 520.000 người.
Đáng chú ý, hầu hết những người thiệt mạng này đều là những người lao động nghèo tại trung tâm thành phố Bhopal. Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp lên con người, những loài động vật khác như trâu, dê,... cũng chịu kết cục tương tự. Chỉ trong vài ngày, ngay cả lá cây úa vàng và rụng.
Chưa dừng lại ở đó, trong vài tháng tiếp theo, tác động của việc từng tiếp xúc với loại khí này đã khiến thêm hàng nghìn người nữa phải thiệt mạng. Do việc hít phải khí độc có thể gây ra hậu quả trong nhiều năm nên số người thiệt mạng thực sự liên quan đến vụ rò rỉ này vẫn chưa được thống kê chính xác cho đến thời điểm hiện tại.
Ngoài vụ rò rỉ gas ban đầu, việc ô nhiễm khí độc cũng gây ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống tại Bhopal. Vào năm 2014, 30 năm sau thảm họa, người dân Bhopal vẫn phát hiện ra chất ô nhiễm đã rò rỉ vào hệ thống nước. Thậm chí ngày nay, khu vực này vẫn còn ghi nhận tỷ lệ dị tật bẩm sinh cao hơn so với dân số nói chung.
Vào thời điểm sau khi vụ việc xảy ra, để bồi thường cho người bị ảnh hưởng, công ty Union Carbide đã lập quỹ vài triệu USD. Tuy nhiên, hầu hết các nạn nhân của thảm họa Bhopal chưa bao giờ nhận được tiền hoặc chỉ nhận được vài trăm đô la vì mất mát người thân mà chỉ nhận được trợ cấp từ phía chính quyền. Sau đó, Chính quyền địa phương cũng nhanh chóng buộc tội Giám đốc điều hành của Union Carbide, Warren Anderson, về tội giết người. Mặc dù vậy, sau khi được tại ngoại, Anderson đã lập tức bỏ trốn khỏi đất nước.
Nguồn: ATI