Nội dung này được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) góp ý với Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho Dự thảo Báo cáo rà soát các quy định về điều kiện kinh doanh.
VCCI nhìn nhận, cần thu hẹp lại phạm vi của một số ngành kinh doanh có điều kiện. Theo danh mục quy định chung, một số ngành nghề đang có phạm vi rất rộng. Điều này dẫn đến tình trạng cơ quan quản lý xác định nhiều "ngành nghề con" khác phải đáp ứng đủ điều kiện mới được kinh doanh. Trong khi thực tế không cần kiểm soát những ngành này.
Đơn cử là nhóm kinh doanh vàng (xác định là ngành kinh doanh có điều kiện trong phụ lục Luật Đầu tư). Trong ngành này có kinh doanh vàng, trang sức, thủ công mỹ nghệ là ngành kinh doanh có điều kiện.
Theo VCCI, bản chất đây là hàng hóa thông thường. Việc kinh doanh mặt hàng này cũng không tác động đến lợi ích cũng như các loại vàng khác trong nhóm.
"Bản thân các điều kiện kinh doanh của hàng hóa này cũng không có đặc thù một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, vì không rõ về mục tiêu quản lý và Nhà nước muốn quản lý gì đối với ngành nghề này", VCCI cho biết.
Các doanh nghiệp kinh doanh vàng trong các năm trở lại đây đã nhiều lần đề xuất đưa vàng trang sức ra khỏi nhóm kinh doanh có điều kiện.
Do đó, VCCI kiến nghị, dự thảo mới cần bổ sung việc đánh giá phạm vi của các ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, trong đó thu hẹp ở một số nhóm ngành mà kinh doanh vàng là một ví dụ.
Ngoài ra, VCCI cũng đề nghị cần soát lại các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện bởi nhiều ngành không cần thiết kiểm soát bằng hình thức này, thay vào đó có những biện pháp khác hiệu quả hơn.
Như kinh doanh dịch vụ biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, tổ chức thi người đẹp, người mẫu, Nhà nước xem xét nội dung, hình thức tổ chức để quyết định cho phép hay không. Đồng nghĩa mỗi khi doanh nghiệp tổ chức sự vụ cụ thể nào sẽ phải thực hiện thủ tục cấp phép cho hoạt động đó, bản thân doanh nghiệp không phải đáp ứng điều kiện hoạt động nào. Đây là hình thức quản lý phù hợp và hiệu quả, với mục tiêu kiểm soát các hoạt động có ảnh hưởng đến văn hóa, tư tưởng, thuần phong mỹ tục. Do đó, việc xếp hoạt động này vào nhóm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, là chưa phù hợp với phương thức quản lý hiện tại và chưa hợp lý.
VCCI lưu ý, công cụ "điều kiện kinh doanh" chỉ nên sử dụng trong các trường hợp hoạt động sản xuất, kinh doanh có thể tác động đến trật tự công (ví dụ với khám chữa bệnh, tác động trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng nên cần phải kiểm soát ngay từ đầu).
Còn những trường hợp quá trình sản xuất, kinh doanh không tác động đến lợi ích công, sản phẩm làm ra có thể tác động đến lợi ích công, biện pháp phù hợp là có tiêu chuẩn kỹ thuật bắt buộc phải đáp ứng nếu muốn tiêu thụ.
Đức Minh