Ông HERLEVI KARI, Trưởng Bộ phận Hợp tác toàn cầu về các giải pháp bền vững SITRA (Quỹ Đổi mới sáng tạo Phần Lan - cơ quan sáng lập, chủ trì Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn thế giới): Cần xác định nguồn lực tham gia
Để thực hiện kinh tế tuần hoàn thì chiến lược thôi vẫn chưa đủ mà cần triển khai thực tế. Các chính phủ cần phân tích điểm mạnh cũng như điểm yếu để đưa ra các lộ trình cụ thể, quan trọng hơn hết là sự tham gia của cộng đồng, người dân chứ không chỉ cần có các chính sách từ chính phủ. Ngoài ra, cần xác định ưu tiên và nguồn lực để hướng tới mục tiêu phát triển xanh cũng như đánh giá năng lực triển khai thực tế.
Các đại biểu quốc tế tham gia các phiên thảo luận tại diễn đàn ngày 15-9 .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ông DON LAM, Giám đốc điều hành Quỹ VinaCapital: TP HCM đóng vai trò đầu tàu
Việc Việt Nam có kế hoạch hướng tới kinh tế tuần hoàn không chỉ đáp ứng các mục tiêu bền vững mà còn phát triển trong tương lai. Lĩnh vực tư nhân sẽ đóng vai trò mạnh mẽ trong tiến trình chuyển đổi này. Bên cạnh đó, cần có sự hợp tác giữa các bên liên quan cũng như các quốc gia khác, vì đây không thể là tiến trình khép kín mà cần được mở rộng. TP HCM đang đóng vai trò đầu tàu của Việt Nam trong việc theo đuổi kinh tế tuần hoàn và cần có chia sẻ kinh nghiệm cũng như hỗ trợ từ các quốc gia khác.
Đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB): Hỗ trợ TP HCM giải quyết những thách thức
TP HCM đã áp dụng các nguyên tắc về kinh tế tuần hoàn để hướng tới đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và mục tiêu phát triển trong tương lai của Việt Nam. ADB có công cụ hỗ trợ các quốc gia như Việt Nam, hỗ trợ kỹ thuật, phương pháp sáng tạo trong các dự án, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ TP HCM trong vấn đề giải quyết các thách thức để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế bền vững.
Ông VICTOR OH - Thượng nghị sĩ, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Canada: Cam kết chống phát thải để thu hút đầu tư
Biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, các quốc gia cần hợp tác, trao đổi để giảm thiểu phát thải khí nhà kính và phát triển bền vững. Các quốc gia đang phát triển cần chứng minh các cam kết chống phát thải, đặt ra mục tiêu tham vọng nhưng khả thi để thu hút đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, các nước đang phát triển cần không ngừng tham gia đàm phán quốc tế, cần có tiếng nói mạnh mẽ trong các diễn đàn đa phương và kêu gọi đầu tư, chia sẻ chuyên môn, chuyển giao công nghệ.
Ông ICHISAKA HIROFUMI, Giám đốc điều hành cấp cao về quan hệ quốc tế, đại diện tỉnh Osaka (Nhật Bản): Thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm tái chế
Vấn đề biến đổi khí hậu không thể giải quyết ở cấp độ quốc gia hay một khu vực mà cần sự hợp tác toàn cầu. Chính phủ các nước nên khuyến khích người dân tái chế rác thải nhựa, thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất những sản phẩm có thể tái chế và thành phố cần có hỗ trợ liên quan đến phí thu gom rác…
Tỉnh Osaka từng gặp khó khăn về chi phí đầu tư ban đầu cao lẫn nâng cao nhận thức của người dân nhưng đến nay đã thành công trong việc giảm chi phí năng lượng và cải thiện chất lượng môi trường.
TS TRẦN DU LỊCH - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98: Học được rất nhiều từ diễn đàn
Tôi rất ấn tượng với những phát biểu, báo cáo tại diễn đàn. Các nội dung thảo luận đã cung cấp cho thành phố những bài học kinh nghiệm cần thiết để xây dựng khung chiến lược chuyển đổi xanh. Trên chiến lược khung đó, xây dựng các tiêu chí, các chính sách, biện pháp, giải pháp triển khai thực hiện. Qua diễn đàn, nhóm tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 đã tiếp thu nhiều và sẽ có sự nghiên cứu, ứng dụng.
TS TRẦN THỊ HỒNG MINH, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý trung ương: Cần có chiến lược dài hơi
Kinh tế xanh dù không phải là mô hình mới mẻ nhưng hiện vẫn chưa có khung pháp lý hoàn thiện để áp dụng, thúc đẩy thay đổi tư duy kinh tế tuần hoàn, thay đổi công nghệ. Cần nhất lúc này là thống nhất tư duy xuyên suốt có hệ thống từ trung ương đến địa phương để tận dụng tối đa các lợi thế trong việc thực hiện mục tiêu đã đề ra.
Những chính sách cụ thể sẽ là bệ đỡ, bệ phóng cho các doanh nghiệp, khu công nghiệp thực hành kinh doanh tuần hoàn một cách hiệu quả nhất. Chính vì vậy, cần sớm có chủ trương, lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn chi tiết để tạo điều kiện cho Việt Nam và các địa phương, trong đó có TP HCM, tận dụng được, tiếp cận nhanh nguồn tài chính xanh, nguồn vốn hỗ trợ từ các đối tác để thực hiện…
Đặc biệt, trong tư duy phát triển kinh tế tuần hoàn, chúng ta cần phải có sự tiếp cận theo cách thức là tạo ra bằng những chiến lược mang tính dài hơi hơn chứ không chỉ trong ngắn hạn.
Xem thêm: mth.1633832251903202-uat-uad-ort-oh-gnout-nit/et-hnik/nv.moc.dln