Bức tranh tài chính ảm đạm
Theo Báo cáo tài chính (BCTC) đã được kiểm toán, năm 2022 Công ty CP Xi măng Công Thanh (Xi măng Công Thanh) ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ hơn 1.595 tỷ đồng, giảm khoảng 900 tỷ so với mức 2.500 tỷ cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá vốn ghi nhận 1.748 tỷ khiến lợi nhuận gộp âm hơn 153 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính chiếm tỷ trọng lớn với hơn 837 tỷ đồng đã khiến lợi nhuận trước thuế công ty âm 1.181,7 tỷ đồng. Lũy kế tại ngày 31/12/2022, Xi măng Công Thanh ghi nhận lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm hơn 6.079 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, đây không phải lần đầu Xi măng Công Thanh ghi nhận kết quả kinh doanh tiêu cực. Cùng kỳ năm trước, Xi măng Công Thanh cũng đã ghi nhận kết quả tương tự khi lợi nhuận trước thuế âm hơn 881 tỷ đồng. Năm 2021, Xi măng Công Thanh cũng đã ghi nhận vốn chủ sở hữu âm gần 4.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm hơn 4.898 tỷ đồng.
Về bức tranh tài chính chung, tại thời điểm cuối năm 2022, Xi măng Công Thanh ghi nhận tổng tài sản giảm nhẹ 4% do với đầu năm, còn hơn 12.318 tỷ đồng, nhưng các khoản nợ phải trả lên tới hơn 17.498 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu âm hơn 5.179 tỷ đồng. Trong các khoản nợ phải trả, nợ dài hạn chiếm tỷ trọng lớn với 14.402 tỷ đồng, nợ ngắn hạn 3.095 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn góp ban đầu của chủ sở hữu là 900 tỷ đồng, tương đương với 90 triệu cổ phần.
Như đã nêu trên, với việc kinh doanh thua lỗ nhiều năm, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Xi măng Công Thanh âm lũy kế 6.079 tỷ đồng. Kết quả này khiến công ty gặp nhiều khó khăn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh do cạn kiệt dòng tiền.
Theo BCTC sau kiểm toán, thời điểm cuối năm 2022, Xi măng Công Thanh đang có các khoản nợ phải trả khoảng 7.300 tỷ đồng với 2 ngân hàng lớn là Vietinbank và SHB. Trong đó, các khoản vay nợ tại ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam hơn 7.000 tỷ đồng, chiếm 95,9% và hơn 288 tỷ đồng đang nợ ngân hàng SHB- Chi nhánh Vạn Phúc.
Trong hơn 7.000 tỷ đồng vay nợ tại Vietinbank có hơn 1.593 tỷ là các khoản vay ngắn hạn. Trong đó, các khoản vay dài hạn tới hạn trả là 1.160 tỷ đồng, và 420 tỷ là khoản nợ trái phiếu tới hạn trả. Còn lại 5.437 tỷ đồng các khoản vay dài hạn, bao gồm 3.053 tỷ đồng các khoản vay dài hạn từ các hợp đồng tín dụng và 1.950 tỷ từ trái phiếu.
Về khoản nợ hơn 288 tỷ đồng với SHB, theo thuyết minh trong BCTC, đây là phần còn lại trong khoản vay ngắn hạn mà đơn vị đã vay ngân hàng SHB từ năm 2017 để bổ sung vốn lưu động. Tới ngày 29/11/2018, công ty không thể thanh toán số tiền hơn 369 tỷ đồng với SHB. Sau đó, năm 2019, SHB đã bán khoản nợ này lại cho VAMC theo Hợp đồng mua bán nợ số 3051/2019/MBN.VAMC-SHB. Tuy nhiên, tháng 11/2021, SHB đã mua lại khoản nợ ngắn hạn này từ VAMC theo HĐ số 444/2021/BN.VAMC-SHB và duy trì tới nay.
Chủ nợ Vietinbank như "ngồi trên lửa"?
Trở lại với khoản nợ 7.300 tỷ của Xi măng Công Thanh, với việc khách hàng kinh doanh gặp nhiều khó khăn, từ năm 2017, Vietinbank chi nhánh Tp.HCM đã có công văn 9507/TGĐ-NHCT.52.2 về việc cơ cấu thời hạn trả nợ gốc, lãi khoản vay dài hạn và trái phiếu đầu tư dự án dây chuyền II nhà máy xi măng Công Thanh.
Theo đó, đối với phần nợ gốc, công ty phải thanh toán nợ gốc các khoản vay dài hạn theo lộ trình tới hết năm 2035, căn cứ theo lịch trả nợ sau cơ cấu. Đối với khoản nợ lãi, Vietinbank yêu cầu Xi măng Công Thanh thanh toán thành 2 phương án. Cụ thể, đối với phần lãi vay phải trả lũy kế tới năm 2016 chưa thanh toán, Xi măng Công Thanh sẽ phải trả trong giai đoạn từ năm 2020 tới năm 2026. Đối với lãi vay phát sinh giai đoạn từ năm 2017 tới 2035 sẽ được phân bố trả theo kế hoạch dòng tiền từ năm 2022 tới năm 2035. Ngoài ra, đối với phần lãi phát sinh còn lại chưa trả do chênh lệch phát sinh so với với thực tế sẽ được thanh toán vào năm 2035.
Để tạo điều kiện, duy trì hoạt động sản xuất của Xi măng Công Thanh, ngày 5/9/2017, Vietinbank đã có động thái tạo điều kiện khi ra văn bản đồng ý chia sẻ cho SHB - Chi nhánh Vạn Phúc về khối tài sản đảm bảo mà Xi măng Công Thanh đang thể chấp tại Vietinbank và nguồn thu của công ty, đổi lại SHB đồng ý tài trợ vốn lưu động cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty, với hạn mức tối thiểu 450 tỷ đồng. Đây là nguồn gốc của khoản nợ ngắn hạn mà Xi măng Công Thanh đang nợ SHB chi nhánh Vạn Phúc và đã được mua đi bán lại như nêu trên.
Đồng thời, trong bảng lưu chuyển tiền tệ của Xi măng Công Thanh, trong năm 2022, đơn vị này ghi nhận chi phí lãi vay 823 tỷ đồng, trong khí đó, tiền lãi vay đã trả không ghi nhận phát sinh trong lưu chuyển tiền thuần trong kỳ. Mặc dù vậy, trong kỳ, Xi măng Công Thanh cũng đã thanh toán được 126 tỷ đồng nợ gốc, trong đó, có 12 tỷ thanh toán cho SHB còn lại lại hơn 114 tỷ đồng thanh toán gốc cho các khoản vay từ Vietinbank và trái phiếu.
Ngoài ra, Xi măng Công Thanh đang ghi nhận khoản phải trả dài hạn 326 tỷ đồng vay của bà Nguyễn Thị Dạ Thảo, Phó Tổng Giám đốc, và là con ruột ông Nguyễn Công Lý, Chủ tịch HĐQT. Khoản vay này nhằm giúp Xi măng Công Thanh bổ sung vốn lưu động đang cạn kiệt.
Như vậy, rõ ràng với kết quả kinh doanh không mấy khả quan trong thời gian qua đã khiến Xi măng Công Thanh gặp khó khăn trong việc thu xếp các nguồn vốn để trả nợ, cũng như khả năng duy trì hoạt động liên tục khiến cho các chủ nợ lớn như Vietinbank "đứng ngồi không yên" về nguy cơ mất vốn.
Theo thông tin BCTC năm 2022, tại ngày 31/12/2022, Xi măng Công Thanh vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ trả nợ khoản vay dài hạn và trái phiếu dài hạn theo kế hoạch số tiền hơn 1.293 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối năm 2021, Xi măng Công Thanh cũng ghi nhận hơn 921 tỷ đồng chưa thực hiện theo kế hoạch trả nợ.
Tính tới ngày 31/12/2022, tổng tiền lãi mà Xi măng Công Thanh phải trả cho Vietinbank và SHB là hơn 316 tỷ đồng. Số tiền này tại các năm trước ghi nhận lần lượt là 267,4 tỷ năm 2021, và 205,4 tỷ đồng năm 2020.
Là chủ nợ lớn với nhiều nghìn tỷ đồng đã "tài trợ" cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Xi măng Công Thanh, trước tình hình kinh doanh "bết bát" và thanh toán chậm trễ, ngày 24/3/2021, Vietinbank đã có văn bản yêu cầu Xi măng Công Thanh xử lý tài sản đảm bảo là bất động sản của bên thứ 3 để thanh toán nghĩa vụ trả nợ còn thiếu. Tuy nhiên, sau đó, ngày 27/5/2021, Công ty có văn bản tới Vietinbank đề xuất chưa thực hiện xử lý tài sản đảm bảo là bất động sản của bên thứ 3 với lý do công ty vẫn đang trả nợ dựa trên doanh thu và dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh đã cam kết với Vietinbank.
Tới ngày 5/4, phía Xi măng Công Thanh và Vietinbank đã thống nhất theo thỏa thuận tạm thời trả nợ tới ngày 30/6/2023 theo từng hợp đồng kinh doanh cụ thể bao gồm cả clinker và xi măng, sau đó Vietinbank phối hợp với công ty tính toán chênh lệch dòng tiền thu và chi phù hợp cho sản xuất kinh doanh, từ đó Vietinbank có quyết định phương án phong tỏa hoặc thu nợ.
Theo đơn vị kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán BCTC cho Xi măng Công Thanh, tại thời điểm cuối năm 2022, Xi măng Công Thanh đã ghi nhận lỗ lũy kế vượt vốn chủ sở hữu, đồng thời, vay nợ ngắn hạn (3.095 tỷ đồng) đã vượt xa tài sản ngắn hạn (745 tỷ đồng) khiến cho khả năng hoạt động liên tục của Xi măng Công Thanh bị đặt nghị vấn lớn nếu không có phương án huy động vốn bổ sung.
Tuy vậy, theo quan điểm của Ban Giám đốc, Công ty vẫn có thể tiếp tục hoạt động liên tục, BGĐ cho rằng phía công ty vẫn có thể tạo ra dòng tiền họat động thuần để đáp ứng nhu cầu về vốn lưu động và trả một phần khoản vay với các ngân hàng. Ngoài ra, công ty cũng đang tích cực tìm kiếm nhà đầu tư mới để tăng thêm vốn nhằm mục đích trả nợ cũng như huy động thêm sự hỗ trợ tài chính từ nhà đầu tư mới và chủ nợ mới.
Tuy nhiên, tại thời điểm phát hành BCTC, Ban Tổng Giám đốc công ty vẫn không thể xác định được thời điểm huy động thêm vốn từ các nhà đầu tư và hoàn thành kế hoạch thanh toán cho các ngân hàng như đã đề ra.
Như vậy, có thể dự đoán, nếu hoạt động sản xuất kinh doanh của Xi măng Công Thanh không ghi nhận tín hiệu chuyển biến khả quan trong thời gian tới, hoặc đơn vị này không thể có thêm nguồn tiền mới từ các nhà đầu tư tiềm năng để thực hiện các nghĩa vụ tài chính, nhiều khả năng trong thời gian tới phía các ngân hàng chủ nợ sẽ có các biện pháp để thu hồi tài sản như tiến hành xử lý các tài sản đảm bảo.
Liên quan tới Tập đoàn Công Thanh, vừa qua, Công Thanh có đề xuất chuyển đổi dự án án điện Than sang dự án điện Khí tại thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa. Với tổng vốn vốn đầu tư sau điều chỉnh là 2 tỷ USD. tương đương 47.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, với tình hình tài chính gặp nhiều khó khăn tại Xi măng Công Thanh đã khiến nhiều người hoài nghi về năng lực thực hiện dự án của chủ đầu tư. Đồng thời, với diện tích sử dụng dự án lớn, khoảng 200ha, vì vậy, hiện hữu nguy cơ lãng phí lớn nguồn lực xã hội nếu dự án không thể triển khai theo đúng tiến độ và kế hoạch đề ra.
Trước đó, qua trao đổi với Người Đưa Tin, phía Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa cho biết, UBND tỉnh Thanh Hóa sát sao chỉ đạo các ngành chức năng xem xét, tham mưu xử lý quyết liệt theo quy định đối với các dự án chậm tiến độ. Đồng thời, hàng năm, Sở KHĐT phối hợp với các Sở liên ngành xây dựng kế hoạch tiến hành thanh tra để đề xuất UBND tỉnh xử lý những dự án vi phạm.
Về việc thẩm định năng lực thực hiện dự án của chủ đầu tư, phía Sở KHĐT cho rằng, mặc dù quy trình rất nghiêm ngặt, nhưng do các biến động phát sinh trong quá trình thực hiện khiến một số dự án bị chậm tiến độ. Đối với dự án chậm tiến độ với lý do khách quan, trên cơ sở các dự án cụ thể các đơn vị, ngành chức năng sẽ tham mưu đề xuất UBND tỉnh gia hạn tiến độ thực hiện.
Tuy nhiên, cũng không loại trừ có những nhà đầu tư không còn đủ năng lực, xin dự án nhưng không triển khai mà mang tính chất "xí phần" nhằm trục lợi, thông qua lợi dụng các chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp như gia hạn, điều chỉnh tiến độ,... để không đưa đất vào sử dụng đúng mục đích, tiến độ. Đối với những dự án này, các đơn vị, ngành chức năng tham mưu cho UBND tỉnh kiên quyết thu hồi đối với các dự án vi phạm các quy định pháp luật tới mức phải thu hồi dự án.
Việt Phương