Khi mở cửa giao dịch ngày 15/9, cổ phiếu của công ty thiết kế chip nước Anh có giá hơn 67 USD/cp, đưa vốn hóa của Arm tăng lên hơn 72 tỷ USD. Giá cổ phiếu của Arm thậm chí còn tăng cao hơn trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa, nhưng sau đó đã giảm dần.
Tuy nhiên, đà tăng Không thể duy trì đến cuối phiên. Kết thúc phiên giao dịch, cổ phiếu ARM còn 60,7 USD trên một cổ phiếu.
Trong đợt IPO này, cổ phiếu Arm ban đầu có giá 51 USD/cp và công ty đạt được định giá khoảng 54,5 tỷ USD.
Nhà phân tích chứng khoán Ben Barringer tại Quilter Cheviot cho rằng giá cổ phiếu đang quá đắt. Ông thấy nhiều nhà đầu tư đang đứng ngoài xem xét và chờ đợi những diễn biến tiếp theo.
Tập đoàn SoftBank của Nhật Bản, công ty đã mua lại Arm từ năm 2016, nắm giữ tới 90% số cổ phiếu đang lưu hành. SoftBank đã phải đối mặt với những lời chỉ trích về chiến lược đầu tư của mình khi Vision Fund (Quỹ Tầm Nhìn) của tập đoàn này báo lỗ lớn trong năm tài chính vừa qua. Điều này đã đủ để một số nhà đầu tư đứng ngoài cuộc trong đợt IPO của Arm.
William de Gale, giám đốc danh mục đầu tư tại BlueBox Asset Management, cho biết ông không đầu tư vào ARM, vì những lo lắng về vấn đề quản trị doanh nghiệp. Ông muốn quan sát bên lề để xem cách công ty hoạt động độc lập.
Tuy nhiên, nhu cầu về cổ phiếu này vẫn rất lớn. Arm đã thu hút được các nhà đầu tư chiến lược bao gồm cả Apple và Nvidia.
Về phần mình, CEO Rene Haas của Arm nói với CNBC hôm 14/9 rằng hoạt động kinh doanh của công ty tại Trung Quốc đang “hoạt động tốt” và có tiềm năng ứng dụng trong ô tô cũng như trung tâm dữ liệu.
Thế mạnh của Arm thường là điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử tiêu dùng khác. Nhưng công ty hiện đang tìm kiếm các lĩnh vực mới bao gồm trí tuệ nhân tạo để phát triển hoạt động kinh doanh của mình.
Chứng khoán Mỹ ngày 15/9 đồng loạt giảm sau một tuần đầy biến động. Các nhà đầu tư đang chờ đợi cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Dow Jones giảm 288,87 điểm, tương đương 0,83%, xuống còn 34.618,24 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,22% xuống 4.450,32 điểm. Nasdaq Composite giảm 1,56% xuống 13.708,33 điểm.
Kết thúc tuần, chỉ số Dow Jones tăng 0,12%. Tuy nhiên S&P 500 và Nasdaq đều ghi nhận tuần giảm thứ hai liên tiếp, với mức giảm lần lượt là 0,16% và 0,39%. Công nghệ thông tin là lĩnh vực hoạt động kém nhất trong S&P 500, với mức giảm gần 2%.
Phố Wall đang phân tích một loạt dữ liệu kinh tế trước cuộc họp sắp tới của FED, dự kiến diễn ra vào ngày 20/9. Nhiều người dự đoán ngân hàng trung ương sẽ giữ nguyên lãi suất trong tuần tới. Nhưng các nhà giao dịch cũng đang tìm hiểu sâu hơn cách các nhà hoạch định chính sách suy nghĩ về lạm phát.
Theo dữ liệu công bố ngày 14/9, chỉ số giá sản xuất (PPI) lõi tháng 8 cơ bản đã được kiểm soát, mặc dù chỉ số chung tăng nhiều hơn dự kiến. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi của tháng 8 tăng nóng.
Theo CNBC