Các thị trường tài chính đã đặt cược vào việc lãi suất toàn cầu đi xuống nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, rủi ro là lãi suất tại Mỹ có thể giữ ở mức cao thêm một thời gian nữa. Do nguy cơ suy thoái đã giảm bớt, nhưng lạm phát Mỹ vẫn chưa hạ nhiệt nhiều.
Nhà đầu tư hiện cho rằng lãi suất 5% hiện tại - mức cao nhất 22 năm - sẽ được duy trì sang năm sau. Nhiều quốc gia thu nhập thấp và đang phát triển đã phải hoãn kế hoạch giảm lãi, kể cả khi điều đó đồng nghĩa tăng trưởng bị kìm hãm. Do họ lo ngại rủi ro dòng vốn rút ra.
"Rất khó hoạch định chính sách mà không quan tâm đến Cục dự trữ Liên bang Mỹ - Fed", David Loevinger - Giám đốc phụ trách các thị trường mới nổi tại hãng quản lý tài sản TCW Group cho biết trên Bloomberg. Ông từng là chuyên gia tại Bộ Tài chính Mỹ.
Các nước đều đang cảm nhận được tác động của các chính sách từ Fed. Lãi suất tại Mỹ tăng khiến các tài sản niêm yết bằng USD hấp dẫn hơn, hút tiền từ các thị trường khác và khiến tiền tệ của các nước này mất giá. Diễn biến này làm tăng áp lực lạm phát và trả nợ với nhiều quốc gia.
Bloomberg Dollar Spot Index theo dõi sức mạnh của đồng bạc xanh với 10 tiền tệ lớn. Chỉ số này đã liên tục đi lên kể từ giữa tháng 7. Đây là chuỗi tăng giá dài nhất kể từ năm 2005.
Số liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cho thấy các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi hiện tăng trưởng ở mức tương đương các nước phát triển. Trước đó, trong phần lớn thế kỷ 21, tốc độ của họ đều vượt trội.
Việc Trung Quốc tăng trưởng chậm lại đang tạo ra thách thức cho các nền kinh tế, đặc biệt là tại châu Á. Vì nhu cầu với hàng xuất khẩu của họ đang chậm lại
Tuy nhiên, từ Indonesia đến Brazil, câu chuyện được bàn tới nhiều nhất gần đây lại là tại sao các ngân hàng chưa giảm lãi suất nhanh chóng. "Trong cuộc thi ai khiến thị trường toàn cầu rối loạn nhiều nhất, Fed là người chiến thắng. Kinh tế Trung Quốc đang đi xuống thật, nhưng không nghiêm trọng như năm 2008 hay 2020", Loevinger cho biết.
Thậm chí, chính Trung Quốc cũng đang chịu tác động từ lãi suất cao tại Mỹ. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đang ngày càng mạnh tay bảo vệ đồng nhân dân tệ. Họ chỉ đạo các nhà băng bán USD để kéo giá nội tệ lên, đồng thời cảnh báo những kẻ đầu cơ sẽ bị xử phạt. Đầu tháng này, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ Liu Pengyu cho biết: "Các nền kinh tế phát triển đang áp dụng chính sách trái ngược, gây ra ảnh hưởng lan truyền".
Ngân hàng Trung ương Ấn Độ cũng đang can thiệp vào thị trường để hỗ trợ đồng rupee. Còn tại Nhật Bản, sau khi đồng yen để mất mốc hỗ trợ tâm lý 145 yen đổi một đôla Mỹ, tin đồn nước này sắp bỏ lãi suất âm cũng dấy lên.
Kinh tế Trung Quốc đi xuống gây ra nhiều tác động lên thế giới. Dù vậy, nền kinh tế này vẫn được dự báo tăng trưởng 5% năm nay. Và dù nhân dân tệ mất giá so với USD, việc này vẫn chưa gây ra biến động tài chính toàn cầu như năm 2015 - thời điểm PBOC bất ngờ hạ giá nhân dân tệ.
"Trung Quốc rất quan trọng. Nhưng đến hiện tại, tâm lý chưa đến mức quá bi quan. Nhà đầu tư dù sao vẫn tin rằng chính phủ Trung Quốc sẽ vực dậy được nền kinh tế và ngăn ảnh hưởng tài chính lan rộng", Janet Mui - Giám đốc phân tích thị trường tại RBC Brewin Dolphin cho biết.
Trong cuộc họp tuần tới, ngoài việc quyết định lãi suất, Fed cũng sẽ công bố dự báo kinh tế quý. Dự báo này được nhà đầu tư chờ đợi, vì có thể hé lộ thêm thông tin về lãi suất thời gian tới. Hao Hong - nhà kinh tế học tại Grow Investment Group tổng kết: "Tất cả thị trường đều đang theo dõi Fed".
Hà Thu (theo Bloomberg)