Tôi và gia đình nhỏ của mình đã từng ở trong nhà mặt đất một thời gian dài.
Đấy là một căn nhà hình ống như bao căn nhà khác ở Hà Nội trong những ngõ dài mà càng đi sâu càng ngoắt ngoéo và hẹp với chi chít những dây điện, dây viễn thông loằng ngoằng trên đầu. Những hẻm sâu hun hút chỉ cần một xe máy đi là đầu kia không ai vào được nữa.
Đôi khi rùng mình nghĩ nếu có chuyện gì tồi tệ xảy ra, cháy nổ chẳng hạn, chẳng biết sẽ thế nào.
Rồi sau đó chúng tôi chuyển đi. Nhiều năm qua là một cuộc sống khác, qua một vài khu chung cư ở thủ đô.
Bạn bè tôi nói rằng cuộc sống ở chung cư là một cuộc sống hoàn toàn khác, trên một mặt sàn, các thành viên gia đình dễ dàng gặp nhau, sinh hoạt thuận tiện.
Đặc biệt là an toàn hơn nhiều vì đi đâu chỉ cần đi ra đóng cửa, dịch vụ ở dưới chân nhà, tiện ích ở khắp nơi.
Sự khác biệt giữa nhà mặt đất và chung cư đương nhiên không chỉ thế, nó cũng không hẳn là chọn chung cư nghĩa là ta đi theo một xu hướng chung của cư dân các đô thị hiện đại trên thế giới, mà đơn giản là ta đi tìm một không gian sống sao cho phù hợp nhất, tiện lợi nhất và thoải mái nhất trong hiện tại và tương lai gần.
Nhưng thực ra khi đến ở chung cư rồi, tôi nhận ra là dù ở đó hay ở nhà mặt đất thì những nguyên tắc của việc chung sống trong một không gian chung phải luôn được tuân thủ.
Bạn không thể đem rác nhà mình ra vứt ở đầu ngõ, nơi cũng có nhiều nhà khác đang sống, cũng như không thể đem rác của mình ra chỗ nào khác khu rác chung cư.
Bạn không thể hát karaoke từ tối đến đêm mà không bị nhắc nhở, bạn cũng không thể và không nên làm ầm ĩ với rất đông người bằng những buổi tiệc ở nơi mình gọi là nhà mình nhưng thật ra là ở trong một cộng đồng.
Có quy định bằng văn bản như ở các khu chung cư, cũng có những quy định theo kiểu gia đình văn hóa ở các khu dân cư với hình thức chủ yếu là nhà mặt đất trong ngõ phố.
Cũng có cả những điều thuộc về ý thức, khi người ta làm bất cứ một điều gì đó trong không gian chung thì cần phải nghĩ đến người khác, đến những rủi ro có thể xảy ra.
Thời gian qua, những tai nạn xảy ra trong những không gian sống chung như thế là một câu chuyện rất dài về trách nhiệm quản lý của chính quyền và cả sinh hoạt của cư dân.
Không thiếu các quy định, các chế tài nhưng các tai họa vẫn xảy ra và nhiều khu dân cư như đang sống trên quả bom nổ chậm vì tồn tại trên các nền tảng đã bị phá vỡ chính các quy định ấy và luôn tiềm ẩn rủi ro.
Thảm họa làm 56 người dân thiệt mạng đau xót ở Khương Hạ sẽ không xảy ra nếu chính quyền nghiêm khắc xử lý trước đó việc xây quá tầng, không đảm bảo phòng cháy chữa cháy.
Thảm họa này một lần nữa là lời cảnh báo những rủi ro mà nếu không giải quyết đến nơi đến chốn thì tai họa vẫn có thể tái diễn vì số chung cư mini ở thủ đô có đến hàng ngàn và những nguy cơ như bom nổ chậm không phải là hiếm.
Đáng tiếc là sau những tai họa thì mới thấy sự cảnh tỉnh, rất nhiều những từ "trách nhiệm", "siết chặt", "thanh tra", "kiểm tra", "xử lý không có vùng cấm" và mới thấy sự lo lắng của cư dân cho chính bản thân mình.
Một thảm họa trong không gian sống chung xảy ra thường là sự kết hợp của rất nhiều nguyên nhân, và đôi khi là sự kết hợp của chính sự quản lý lỏng lẻo, vô trách nhiệm của các cấp có thẩm quyền, của chủ đầu tư và cả ý thức của cư dân.
Những cư dân sống ở các chung cư mini, cũng như tôi năm xưa đã từng sống trong những hẻm sâu hun hút, hẳn nhiên không ai muốn sống ở đó lâu dài, khi có điều kiện sẽ rời đi. Nhưng khi chúng ta sống trong không gian đó, nếu chúng ta chú ý hơn việc phòng cháy chữa cháy nghĩa là chúng ta giảm đi những nguy cơ cho chính mình.
Tôi vẫn nghĩ trong một cộng đồng sống chung, một khi các cấp quản lý có đủ trách nhiệm, có đủ các quy định và thực thi nghiêm khắc, và một khi cư dân luôn biết lo cho chính mình, chắc chắn không gian sống chung của chúng ta, dù ở nhà mặt đất hay chung cư, sẽ an toàn hơn rất nhiều.
Ở Hà Nội, TP.HCM có rất nhiều chung cư mini, nhà trọ nhiều phòng nhiều tầng không có lối thoát hiểm, không đảm bảo phòng cháy chữa cháy...