Tuyến đường nguy hiểm nhất hành tinh
Tờ Financial Times (FT) cho hay, Nga đã lần đầu tiên cho phép các tàu chở dầu chưa được gia cố đi qua Tuyến đường biển phía Bắc đầy băng giá của nước này.
Hai tàu chở dầu đã được cấp phép trong tháng 8 vừa qua để thực hiện hành trình dài 3.500 dặm dọc theo bờ biển phía bắc của Nga. "Chưa được gia cố" ở đây có nghĩa các tàu này chưa được tăng cường thêm trang bị để có thể chịu được điều kiện băng giá. Chúng là các tàu thân mỏng.
Những con tàu này đã khởi hành tới Trung Quốc vào đầu tháng 9, và lần đầu tiên vượt qua một trong những tuyến đường băng đá nguy hiểm nhất hành tinh.
Trong những năm gần đây, Moscow đã dành nhiều lời ca ngợi cho Tuyến đường biển Bắc. Nó nằm hoàn toàn trong vùng biển Bắc Cực và là tuyến đường vận chuyển ngắn hơn tới Trung Quốc. Vào mùa hè, việc di chuyển qua tuyến đường này nhanh hơn nhiều so với con đường truyền thống qua Kênh đào Suez.
Động thái đưa các tàu chở dầu chưa gia cố đi qua Tuyến đường biển Bắc cho thấy Moscow đang sử dụng tuyến đường này thường xuyên hơn để giảm thời gian di chuyển tới các thị trường châu Á.
Chuyến hành trình phổ biến nhất đi từ cảng Primorsk (phía bắc Nga), qua kênh đào Suez để tới Trung Quốc sẽ mất 45 ngày. Trong khi đó, nếu đi qua Tuyến đường biển Bắc, thời gian chỉ mất 35 ngày (rút ngắn 10 ngày). Viktor Katona - nhà phân tích dầu thô hàng đầu tại Kpler - cho biết, Nga có thể tiết kiệm khoảng nửa triệu USD mỗi chuyến đi chỉ nhờ tiết kiệm nhiên liệu.
Năm 2022, mới chỉ có 1 tàu chở dầu mang tên Vasily Dinkov của Nga được gia cố chắc chắn để vận chuyển dầu thô của nước này tới Trung Quốc qua Tuyến đường biển Bắc. Nó được gọi là tàu lớp băng.
Bước sang năm 2023, theo dữ liệu theo dõi tàu biển từ Kpler, số lượng các tàu tương tự đã tăng lên 10 tàu. Bên cạnh đó, thêm 1 tàu gia cố chở Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga vừa hoàn thành hải trình trong tuần này.
Kế hoạch của Nga
Theo tờ Arctic Today, các quan chức Nga từ đầu năm 2023 đã công bố kế hoạch đưa các chuyến dầu thô qua Tuyến đường biển Bắc bằng các tàu chở dầu chưa gia cố.
Nhà điều hành tàu NS Breeze Shipping đã nhận được sự cho phép từ Rosatom, giấy phép xác nhận rằng tàu NS Bravo và Leonid Loza không thuộc lớp băng, nhưng được phép di chuyển mà không cần trợ giúp trong vùng nước không có băng. Trong điều kiện băng nhẹ, chúng sẽ có tàu phá băng hộ tống đi kèm.
Trên đường tới Trung Quốc, tàu Leonid Loza sẽ đi qua eo biển Bering tiếp giáp với đường bờ biển phía tây của Alaska. Cho tới nay, tàu chở dầu đi qua eo biển này vẫn rất hiếm.
Hãng thông tấn TASS (Nga) cho biết, tàu chở dầu Leonid Loza và NS Bravo thuộc sở hữu của PJSC Novoship - một công ty con của tập đoàn Nga Sovcomflot. Cả hai tàu đều được đóng và hạ thủy lần lượt tại Trung Quốc vào năm 2010 và 2011.
Trả lời FT, tập đoàn Năng lượng hạt nhân Nhà nước Rosatom (Rosatom) cho biết, "điều kiện hàng hải được cải thiện trong những tháng mùa hè và mùa thu đã cho phép các tàu không thuộc lớp băng hoạt động an toàn".
Tập đoàn này nhấn mạnh rằng, tất cả các tàu của Nga đi qua Tuyến đường biển Bắc đều được kiểm tra nghiêm ngặt, và những cân nhắc về môi trường "luôn luôn là ưu tiên hàng đầu của Rosatom".
Các chuyên gia vận tải cho biết, về mặt lý thuyết, các tàu chở dầu chưa được gia cố vẫn có thể di chuyển qua Tuyến đường biển Bắc trong tháng 9 và tháng 10, do khí hậu mùa hè khiến lớp băng ở đây giảm xuống mức mỏng nhất. Song, vẫn tồn tại những rủi ro nhất định do các tảng băng có thể "bẫy" tàu thuyền.
Một trong hai tàu chở dầu mang tên NS Bravo đang chở khoảng 1 triệu thùng dầu trên đường đến cảng Nhật Chiếu (miền đông Trung Quốc). Trong khi đó, chiếc còn lại mang tên Leonid Loza, đang chở cùng một lượng dầu tới miền đông Trung Quốc, tuy nhiên, nó rời cảng Murmansk vào ngày 9/9, sau tàu NS Bravo vài ngày.