Theo South China Morning Post, quyết định ban hành Dự luật Kim Keon-hee về việc cấm buôn bán và tiêu thụ thịt chó ở Hàn Quốc đã trở thành tâm điểm tranh cãi trong nội bộ đảng Sức mạnh Nhân dân (PPP) cầm quyền, với một số thành viên cho rằng đó là sự xu nịnh.
Ông Park Dae-chul, nhà lập pháp thuộc PPP, người ủng hộ Dự luật Kim Keon-hee, cho biết dù trong nội bộ có mâu thuẫn song sẽ không ảnh hưởng nỗ lực thông qua luật, vì quan điểm của đảng về vấn đề này không thay đổi.
“Bây giờ là lúc chấm dứt việc tiêu thụ thịt chó” - ông Park viết trên Facebook.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Đệ nhất phu nhân Kim Keon-hee tại một sự kiện. Bà Kim là người đã lên tiếng đấu tranh cho việc chấm dứt tiêu thụ thịt chó ở nước này - Ảnh: EPA-EFE
Ông Park cũng tỏ ra sự lạc quan về việc thông qua dự luật với sự ủng hộ của các thành viên phe đối lập và cam kết sẽ tuân theo quy trình quốc hội, xem xét kỹ lưỡng dự luật.
Việc tranh cãi bên trong đảng PPP được cho là chủ yếu liên quan đến cách đặt tên dự luật, bị một số người xem như sự tâng bốc dành cho phu nhân tổng thống trong khi dự luật ra đời là nhờ nỗ lực chung kéo dài nhiều năm của các tổ chức bảo vệ động vật.
Trong khi đó, nhiều ý kiến bên ngoài chỉ trích chính sự kiên quyết của chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol trong việc cấm thịt chó.
Dự luật Kim Keon-hee được đặt theo tên của đệ nhất phu nhân Hàn Quốc, một người từng lên tiếng ủng hộ quyền lợi động vật, cam kết chấm dứt "văn hóa thịt chó" gây tranh cãi trong nhiệm kỳ của chính phủ hiện tại.
Bà Kim Keon-hee đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ một nhóm đại diện cho các chủ trang trại thịt chó, những người cáo buộc bà tham gia vào các hoạt động chính trị vượt quá thẩm quyền và cố gắng tước bỏ “quyền được ăn uống của người dân”.
Chồng bà - Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol - trước đó cho biết việc ăn thịt chó là vấn đề lựa chọn cá nhân nhưng sau đó đã thay đổi lập trường và hứa sẽ nỗ lực cấm ăn thịt chó trong chiến dịch tranh cử năm ngoái.
Xem thêm: nhc.163224131719032881-iac-hnart-yag-ohc-tiht-na-mac-taul-ud-couq-nah/nv.fefac