Như Thanh Niên đã thông tin, chiều 14.9, ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cùng lãnh đạo Sở NN-PTNT, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, lãnh đạo UBND TP.Đà Lạt… đã đến kiểm tra thực tế hiện trường Công ty TNHH Đất Việt Đà Lạt (viết tắt Công ty Đất Việt) san ủi đất mở đường xuyên rừng vào khu vực dự án du lịch cao cấp của công ty này.
Căn cứ hiện trạng và hành vi vi phạm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu chủ đầu tư dự án tạm dừng thi công hệ thống điện ngầm; khắc phục ngay hậu quả, hoàn nguyên hiện trường, trồng lại cây rừng. Tuyệt đối không để hình thành đường trên đất rừng trái quy định.
Sau khi nghe các bên liên quan báo cáo, ông Nguyễn Ngọc Phúc khẳng định, tỉnh Lâm Đồng luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư thực hiện dự án. Đồng thời chỉ đạo giao Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm chủ trì phối hợp các sở, ngành liên quan sớm có phương án tháo gỡ khó khăn để Công ty Đất Việt có đường chở vật tư, vật liệu xây dựng vào khu vực dự án du lịch mà đơn vị này đang thực hiện.
Như Thanh Niên đã phản ánh, Công ty Đất Việt xin phép Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm kéo cáp điện ngầm (tạm) từ đường vành đai TP.Đà Lạt, đoạn gần cầu Suối Tía (P.4, TP.Đà Lạt) vào dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp của công ty.
Tuy nhiên, Công ty Đất Việt lại san gạt đất mở đường dài khoảng 1 km, rộng từ 3 - 5 m, tạo thành bờ ta luy cao từ 2 - 5 m, làm ảnh hưởng đến một số cây thông 3 lá, nhiều cây thông bị đất lấp gốc từ 30 cm - 1 m… Việc này ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường và công tác bảo vệ rừng, gìn giữ địa hình và trật tự xây dựng tại Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm.
Sao không phát hiện và ngăn chặn sớm hơn?
"Công ty này ngang nhiên san ủi đất mở đường xuyên rừng như thế là sai rồi. Sao xin kéo cáp điện ngầm vào dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp của công ty mà lại san gạt đất mở đường dài khoảng 1 km, rộng từ 3 - 5 m? Việc lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng yêu cầu công ty này hoàn nguyên hiện trường, trồng lại rừng trên con đường mà doanh nghiệp này tự mở xuyên rừng trong Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm là rất đúng, ủng hộ tỉnh xử lý kiên quyết", bạn đọc (BĐ) Chi Hoang cho biết.
Đồng quan điểm, BĐ TNT Dalat đặt câu hỏi: "Khi doanh nghiệp mở đường thì Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm đang làm gì mà không biết?". BĐ Pin lưu ý thêm: "Cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan được giao quản lý địa bàn, khi để xảy ra tình trạng tự ý mở đường mà không kịp thời kiểm tra ngăn chặn xử lý". BĐ Yen Xuan cũng đồng tình: "Lẽ ra khi công ty này vừa san gạt đất thì cơ quan quản lý phải kịp thời ngăn chặn ngay, như vậy thì mới sâu sát và tránh được những thiệt hại cho rừng. Tuy nhiên, bây giờ ngăn cản, tuy có hơi muộn, nhưng cũng tốt. Vấn đề là cần phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ xem công ty có thực hiện nghiêm túc việc hoàn nguyên hiện trường, trồng lại rừng… không, và cần kịp thời xử lý nếu tiếp tục có sai phạm. Đừng để bị muộn nữa!".
Sớm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
"Tôi thấy việc tỉnh chỉ đạo giao Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm chủ trì phối hợp các sở, ngành liên quan sớm có phương án tháo gỡ khó khăn để Công ty Đất Việt có đường chở vật tư, vật liệu xây dựng vào khu vực dự án du lịch mà đơn vị này đang thực hiện, là việc làm rất thiết thực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư thực hiện dự án. Cách làm như vậy đảm bảo được lợi ích hài hòa của nhà nước cũng như của doanh nghiệp", BĐ Viet Thang bày tỏ.
BĐ Ng.Linh cũng cho biết: "Trước mắt, doanh nghiệp phải chấp hành nghiêm yêu cầu của tỉnh, sớm hoàn nguyên hiện trường, trồng lại rừng trên con đường mà doanh nghiệp này tự mở xuyên rừng. Bên cạnh đó, tỉnh đã có chỉ đạo, mong các sở, ngành, đơn vị liên quan bàn bạc để sớm có con đường thích hợp cho doanh nghiệp chở vật tư, vật liệu xây dựng để thực hiện dự án du lịch. Lưu ý: Lợi ích kinh tế nhưng cũng phải đảm bảo về môi trường".
Trong khi đó, BĐ Teo Nguyen Van chia sẻ thông tin: "Mình mới đi Trung Quốc về. Nơi mình đi là khu vực đồi núi rừng. Mình thấy họ quản lý, bảo vệ và bảo tồn rừng thật tốt và nghiêm ngặt, không thấy cảnh người dân phá rừng để trồng trọt trên những quả đồi, quả núi... Khu du lịch có những cây nhỏ, cây to mọc chắn ngang lối đi cầu thang bộ hành, họ cũng giữ cây lại".
* Xin hỏi trồng lại thì bao nhiêu năm sau được gọi là rừng?
Nguyễn Trung Trực
* Làm cả con đường như thế mà cơ quan quản lý không biết sớm để bây giờ đi khôi phục hiện trạng rừng, liệu có đảm bảo không?
Hyto Ta
* Việc nào ra việc đó. Doanh nghiệp làm sai thì phải bị phạt. Doanh nghiệp có khó khăn thì các cơ quan chức năng nên xem xét, tính toán cho mở đường nơi phù hợp, để tạo điều kiện cho họ thực hiện dự án.
Hùng