Năm tập đoàn bị kiện gồm Exxon, Shell, Chevron, ConocoPhillips và BP - những đơn vị khai thác và cung cấp dầu khí hàng đầu thế giới. Viện Xăng dầu Mỹ (API), hiệp hội thương mại xăng dầu lớn nhất nước này, cũng bị kiện.
Lời nói dối 50 năm của các ông lớn dầu mỏ
Nói về vụ kiện, Thống đốc bang California Gavin Newsom cho rằng các công ty dầu mỏ lớn đã lừa dối người dân bang California trong hơn 50 năm.
"Lẽ ra, những người đóng thuế của bang California không phải tốn hàng tỉ USD cho những thiệt hại của các trận cháy rừng hủy hoại cả một cộng đồng, khói bụi dày đặc trong không khí, các làn sóng nhiệt chết người hay những trận hạn hán kỷ lục làm cạn các giếng nước", ông Newsom nói.
California là bang đông dân nhất nước Mỹ. Tiểu bang này cũng là địa phương khai thác dầu hàng đầu và nơi chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nhiều bậc nhất xứ cờ hoa.
Dù không phải là cuộc chiến pháp lý đầu tiên giữa chính quyền Mỹ và những tập đoàn dầu mỏ, vụ kiện của bang California là vụ kiện có sức ảnh hưởng bậc nhất.
Theo đơn kiện được Tổng chưởng lý bang California Rob Bonta nộp lên Tòa thượng thẩm hạt San Francisco hôm 15-9, năm tập đoàn trên đã biết về tác động của việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch đến môi trường từ những năm 1960.
API cũng đã được Viện Nghiên cứu Stanford cảnh báo về những biến đổi khí hậu do họ gây ra từ năm 1968. Tuy nhiên, các tổ chức trên đã cố tình giảm nhẹ rủi ro từ nhiên liệu hóa thạch. Điều đó giúp những doanh nghiệp này tiếp tục thu về nguồn lợi nhuận khổng lồ song cũng dẫn đến một loại hiện tượng thời tiết cực đoan tại California, khiến bang này thiệt hại hàng tỉ USD.
Theo báo New York Times, phía nguyên đơn cũng cho rằng các tập đoàn trên còn thực hiện hành vi lừa dối đến ngày nay. Các công ty này quảng bá bản thân là "năng lượng xanh", dù đầu tư rất ít vào các nguồn năng lượng thay thế. Thay vào đó, họ vẫn đang dồn lực sản xuất các sản phẩm từ nhiên liệu hóa thạch.
Về phương án khắc phục hậu quả, chính quyền bang California yêu cầu lập một quỹ giúp bang này phục hồi sau các hiện tượng thời tiết cực đoan và chuẩn bị cho các tác động sau này của biến đổi khí hậu. Quỹ này sẽ được duy trì bằng nguồn tiền của các công ty xăng dầu.
"Các công ty trên đã làm ô nhiễm không khí của chúng ta, che kín bầu trời của chúng ta trong khói, hủy hoại vòng tuần hoàn nước của chúng ta và làm bẩn đất đai của chúng ta. Họ phải bị buộc làm dịu các tác hại do họ gây ra cho tiểu bang", chính quyền bang California lập luận.
Vụ kiện có khả thi?
Các ông lớn dầu mỏ cố tình làm nhẹ hậu quả của biến đổi khí hậu cũng đã rõ ràng hơn trước đây. Đầu những năm 2010, bang California từng khởi kiện một số công ty than đá và hãng ô tô nhưng đã bị Tòa tối cao bác bỏ.
Ông Ken Alex, cựu trợ lý cấp cao của tổng chưởng lý bang khi đó, chia sẻ: "Lúc ấy chúng tôi không có nhiều thông tin về việc các công ty dầu mỏ còn đang đánh lạc hướng và xuyên tạc thông tin. Tôi không nghĩ chúng tôi từng có nhiều thông tin về hành vi trên như chính quyền hiện tại có".
Dù ủng hộ động thái pháp lý của chính quyền bang California nhưng ông Alex vẫn cho rằng đây là vụ kiện khó vì "các bị đơn có nguồn lực vô cùng dồi dào và việc chứng minh việc họ vi phạm không hề đơn giản".
Trong khi đó, ông Richard Wiles - chủ tịch Trung tâm vì sự minh bạch khí hậu - đánh giá quyết định khởi kiện của bang California là bước ngoặt của cuộc chiến pháp lý nhằm buộc các tổ chức gây ô nhiễm môi trường lớn đã tung những lời giả dối về khí hậu trong nhiều thập niên phải chịu trách nhiệm.
Ở chiều ngược lại, các công ty dầu mỏ lại chỉ trích kịch liệt vụ kiện. Ông Ryan Meyers, phó chủ tịch cấp cao API, tuyên bố: "Chiến dịch đưa ra một loạt vụ kiện không đáng hoan nghênh và bị chính trị hóa nhắm vào ngành công nghiệp nền tảng của Mỹ và các nhân viên của họ chỉ là biện pháp đánh lạc hướng khỏi các vấn đề quốc gia hệ trọng và sự lãng phí khổng lồ với nguồn lực của người dân California".
Ông Meyers khẳng định việc đề ra chính sách về khí hậu là trách nhiệm của quốc hội, chứ không phải của hệ thống tư pháp.
Bà Anna Arata, người phát ngôn của Shell, đồng tình với ông Meyers. Bà chia sẻ: "Chúng tôi không nghĩ tòa án là nơi thích hợp để bàn luận về biến đổi khí hậu. Các chính sách thông thái của chính phủ và hành động từ tất cả các bộ phận mới là cách đúng đắn để tìm ra giải pháp và thúc đẩy sự tiến bộ".
Thời điểm phù hợp
Theo báo Politico, tháng 4-2023 Tòa án tối cao Mỹ đã cho phép các vụ kiện của chính quyền địa phương chống lại các công ty năng lượng liên quan đến biến đổi khí hậu được xét xử tại tòa án cấp tiểu bang.
Điều này trái ngược mong muốn chuyển các vụ án lên tòa án liên bang của các công ty dầu mỏ. Nhìn chung, các tòa án bang thường cởi mở hơn trong việc cân nhắc các đạo luật đối phó biến đổi khí hậu của mỗi bang. Nhờ đó, tòa án bang được xem là nơi thuận lợi cho các vụ kiện liên quan đến khí hậu.
Theo người phát ngôn của ông Newsom, quyết định trên đã thôi thúc bang California khởi kiện vào lúc này.
Bang California, Mỹ đã cáo buộc Alphabet (công ty mẹ của Google) "tiếp tục thu thập và lưu trữ dữ liệu định vị" ngay cả sau khi người dùng tắt lịch sử vị trí. Google sẽ trả 93 triệu USD để dàn xếp vụ kiện này.