Kim ngạch nhập khẩu hàng hoá cũng có sự tăng trưởng tương đối ổn định
Báo Công Thương dẫn nguồn Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 8 (16-31/8) đạt 14,97 tỷ USD, tăng 5,3%. Con số này tương ứng tăng 754 triệu USD so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 8/2023.
Theo đó, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá tiếp tục duy trì đà tăng liên tục trong 4 tháng trở lại đây, ở cả chiều xuất khẩu và nhập khẩu hàng hoá. Dù mức tăng chưa có sự đột phá và chưa bù đắp được sự sụt giảm từ những tháng trước đó, nhưng việc tăng trưởng này cũng mang lại nhiều kỳ vọng cho những tháng cuối năm, khi nhu cầu sản phẩm, hàng hoá trên thế giới tăng trưởng trở lại.
Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 2 tháng 8 tăng so với kỳ trước đó chủ yếu ở các nhóm hàng phục vụ nhu cầu sản xuất như như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 156 triệu USD (tương ứng tăng 3,8%); vải các loại tăng 92 triệu USD (tương ứng tăng 18,6%); chất dẻo nguyên liệu tăng 67 triệu USD (tương ứng tăng 16,6%); phân bón các loại tăng 52 triệu USD (tương ứng tăng 105%)...
Tính đến hết tháng 8, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt 208,27 tỷ USD, giảm 15,9% (tương ứng giảm 39,43 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm đạt hơn 436 tỷ USD
Trong khi nhập khẩu hàng hóa thời gian qua tăng thì xuất khẩu hàng hóa đang nỗ lực vượt khó. Theo báo cáo được Tổng cục Hải quan công bố mới đây, trong tháng 8 năm 2023, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 62,08 tỷ USD, tăng 8,8% so với tháng trước (tương ứng tăng 5,01 tỷ USD).
Đáng chú ý, trong tháng 8 năm 2023, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 62,08 tỷ USD, tăng 8,8% so với tháng trước. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt 32,76 tỷ USD, tăng 9% (tương ứng tăng 2,69 tỷ USD) và tổng trị giá nhập khẩu đạt 29,32 tỷ USD, tăng 8,6% (tương ứng tăng 2,32 tỷ USD).
Tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong 8 tháng năm 2023 đạt 436,44 tỷ USD, giảm 12,8%, tương ứng giảm 64,21 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt 228,17 tỷ USD, giảm 9,8% (tương ứng giảm 24,79 tỷ USD) và tổng trị giá nhập khẩu đạt 208,27 tỷ USD, giảm 15,9% (tương ứng giảm 39,42 tỷ USD).
Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 8 năm 2023 thặng dư 3,44 tỷ USD. Qua đó, nâng mức thặng dư lũy kế trong 8 tháng năm 2023 lên 19,9 tỷ USD, theo VTV.
Dù còn gặp nhiều khó khăn, song việc nhập khẩu hàng hoá tăng cao cho thấy những kỳ vọng của hoạt động xuất nhập khẩu trong những tháng cuối năm. Đối với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực, kim ngạch xuất nhập khẩu cũng có dấu hiệu đáng mừng.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thông tin, đơn cử xuất khẩu thuỷ sản sang Trung Quốc đang có những tín hiệu hồi phục khi trong tháng 7/2023 xuất khẩu thủy sản sang thị trường này đạt gần 180 triệu USD, tăng 45% so với cùng kỳ. Các thị trường lớn khác cũng được dự báo khả quan hơn trong dịp cuối năm.
Bộ Công Thương sẽ thực hiện các giải pháp nhằm phát triển thị trường xuất khẩu
Dự báo, xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục có xu hướng tăng trong thời gian tới. Song mức tăng trưởng sẽ khó có sự đột phá. Trong bối cảnh sự bất ổn, không chắc chắn của kinh tế toàn cầu đang ở mức cao nhất trong nhiều năm, tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô và triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới khi nước ta là nền kinh tế có độ mở lớn, cùng với đó là xu hướng dịch chuyển nguồn cung về gần thị trường tiêu thụ để giảm thiểu các rủi ro gián đoạn nguồn hàng ngày càng rõ nét trong việc đa dạng hóa nguồn cung của các thị trường xuất khẩu của Việt Nam…, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ thực hiện các giải pháp nhằm phát triển thị trường xuất khẩu.
Cụ thể, đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, trong đó có hoàn tất đưa vào thực thi Hiệp định FTA với Israel, ký kết các Hiệp định FTA, Hiệp định thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng (UAE, MERCOSUR...) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.
Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, trong đó đặc biệt là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các Hiệp định.
Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới…
Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch...
Theo báo Nhân Dân, thời điểm hiện tại cho đến cuối năm, mặc dù có nhiều tín hiệu tích cực tuy nhiên dự báo bối cảnh kinh tế thế giới cũng còn nhiều diễn biến nhanh, khó lường. Mặc dù đã chững lại, song lạm phát vẫn ở mức cao tại các thị trường. Xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn diễn biến phức tạp tiếp tục khiến chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, giá cả nhóm hàng nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất vẫn duy trì ở mức cao.
Mặc dù vậy, có những kỳ vọng về đơn hàng xuất khẩu phục hồi, các doanh nghiệp Việt Nam có sự chống chịu, có sự linh hoạt, hết sức chủ động trong sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp Việt Nam dần đã phát huy được sự chủ động sáng tạo, tìm kiếm được thị trường mới, khai thác rất tốt các lợi thế từ các FTA.
Đặc biệt về các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ, Chính phủ, các Bộ, ngành cần tiếp tục hỗ trợ tối đa, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, giảm chi phí cho doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế,... qua đó doanh nghiệp xuất nhập khẩu có động lực duy trì sản xuất kinh doanh, có nguồn vốn nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu theo các đơn hàng mới.
Trúc Chi (t/h)