Sáng 18-9, UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức hội thảo "Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn lao động tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030".
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng, mặc dù tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong phát triển nguồn lao động, giải quyết việc làm, nhưng do số lượng doanh nghiệp còn ít, quy mô nhỏ, chế độ lương, thưởng, đãi ngộ thấp nên chưa thu hút được người lao động của địa phương làm việc.
Sóc Trăng hiện có khoảng 160.000 người (khoảng 12% dân số) đi làm việc tại các doanh nghiệp ngoài tỉnh.
Theo ông Trần Văn Lâu - chủ tịch UBND tỉnh, để tạo việc làm cho người lao động, tỉnh đã chủ động tìm giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn lao động, nhất là lao động chất lượng.
"Điều này có ý nghĩa quan trọng, nhằm đáp ứng nguồn lực phát triển kinh tế của tỉnh, tạo thêm nhiều việc làm tại chỗ cho người dân", ông Lâu nói.
Ông Lâu cho biết theo quy hoạch, từ năm 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có 8 khu công nghiệp và 18 cụm công nghiệp. Ngoài ra còn nhiều dự án, công trình trọng điểm được đầu tư, như cảng nước sâu Trần Đề và các dự án kết nối giao thông liên tỉnh.
Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế biển tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025, nhu cầu thu hút lao động vào vùng biển làm việc rất lớn, nhất là lao động có trình độ chuyên môn cao phục vụ các dự án đầu tư lớn từ trung ương và nước ngoài về phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch sinh thái, hệ thống cảng biển…
"Dự báo thời gian tới tỉnh cần nguồn lực lao động rất lớn, đặc biệt lao động có tay nghề. Nhu cầu lao động mới tuyển dụng vào làm việc tại các khu công nghiệp giai đoạn 2023 - 2025 khoảng 66.000 người và giai đoạn 2023 - 2030 khoảng 200.000 người, mỗi năm bình quân tuyển dụng trên 33.000 người.
Do vậy ngay từ bây giờ, tỉnh tập trung nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, liên kết và hợp tác quốc tế trong đào tạo", ông Lâu cho biết.
Theo GS.TS Hà Thanh Toàn - hiệu trưởng Trường đại học Cần Thơ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã có những thay đổi trong quan điểm, nhận thức, chuyển dịch trong áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ vào sản xuất. Trong vài năm trở lại đây, tỉ lệ lao động qua đào tạo tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng 2%, hiện đạt 67% so với kế hoạch năm.
"Điều đó sẽ góp phần lớn vào việc đưa vùng có thể phát triển nhanh chóng, giảm chi phí nhân công nhưng vẫn mang lại hiệu quả trong phát triển kinh tế", GS.TS Toàn thông tin.
GS.TS Toàn cho biết hiện Trường đại học Cần Thơ đã và đang là đơn vị uy tín về đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh Sóc Trăng nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Hiện hai bên thống nhất mở phân hiệu của trường tại Sóc Trăng, bước đầu ưu tiên giải quyết nhân lực cho tỉnh và các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau.
TT - Người khiếm thính chiếm tới 13% trong số hơn 13 triệu người khuyết tật Việt Nam, và khoảng 80% trong số đó đang trong độ tuổi lao động. Sáng 7-9, Chương trình khuyết tật & phát triển-DRD (ĐH Mở TP.HCM) đã có cuộc hội thảo để tìm giải pháp cho nguồn nhân lực lớn bị lãng quên này.