Theo báo Guardian (Anh) ngày 17-9, nhiều công ty dầu khí đa quốc gia của Mỹ đang đối diện với nghi vấn xuất khẩu thiết bị sang Nga trong khi đã dừng hoạt động tại nước này.
Dừng hoạt động nhưng vẫn xuất khẩu sang Nga
Theo hồ sơ hải quan Nga, Halliburton - một công ty Mỹ là nhà cung cấp sản phẩm và dịch vụ vào loại lớn nhất thế giới cho hoạt động thăm dò dầu khí - đã xuất khẩu sang Nga lượng thiết bị trị giá hơn 7,1 triệu USD từ khi thông báo chấm dứt hoạt động tại đây.
Tháng 9-2022, Halliburton đã bán văn phòng tại Nga cho đơn vị quản lý địa phương, trong bối cảnh các công ty Mỹ bị gây sức ép buộc phải rời khỏi Nga do cuộc chiến tại Ukraine.
Tuy nhiên, số liệu hải quan Nga ghi nhận các công ty con thuộc Halliburton vẫn xuất khẩu lượng thiết bị trị giá hơn 5,7 triệu USD cho bên vận hành trước đây tại Nga của Halliburton trong sáu tuần sau ngày 8-9 (ngày công ty dịch vụ dầu khí này hoàn thành việc “bán mình” tại Nga).
Halliburton công bố lợi nhuận gộp trong 12 tháng tính đến 30-6-2023 là 4,052 tỉ USD, tăng 63,19% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù đã lỗ 300 triệu USD từ việc bán đi các hoạt động ở Nga.
Các thiết bị của Halliburton phần lớn được xuất đi từ Mỹ và Singapore, tuy xuất xứ được ghi nhận đến từ nhiều quốc gia khác, bao gồm Anh, Bỉ và Pháp.
Phần lớn các công ty con của Halliburton đã ngừng xuất khẩu đến Nga từ ngày 6-10. Chuyến hàng cuối được ghi nhận ngày 24-10 dưới danh nghĩa Công ty Halliburton MFG (một công ty thuộc Halliburton).
Trong đó xuất khẩu một thiết bị được niêm phong trị giá gần 3.000 USD từ Malaysia đến Tập đoàn Sakhalin Energy của Nga - tập đoàn này đang phát triển dự án dầu khí Sakhalin-2 tại miền đông Nga.
Sau một thời gian ngắn tạm dừng, tháng 12-2022 Halliburton tiếp tục xuất khẩu thiết bị đến Nga dưới danh nghĩa hai công ty không có liên quan đến công ty Mỹ này.
Các sản phẩm của Halliburton thời điểm này được xuất đi từ Thổ Nhĩ Kỳ, nâng trị giá thiết bị được Halliburton xuất khẩu đến Nga lên ít nhất 7,1 triệu USD kể từ khi công ty này dừng hoạt động tại Nga.
Theo hồ sơ hải quan, Halliburton xuất khẩu sang Nga các thiết bị bao gồm nhiều loại, từ máy bơm, thiết bị máy khoan dùng để khoan giếng và các phụ gia xi măng. Hoạt động này tiếp tục cho đến ít nhất là tháng 6-2023. Hiện chưa có các ghi nhận cho thời gian gần đây.
Chậm rút vì lợi nhuận?
Phía Ukraine tỏ ra không hài lòng khi nhiều tập đoàn công nghiệp lớn ở phương Tây thờ ơ với việc rút khỏi nền kinh tế Nga.
Những phát hiện cho thấy các công ty đa quốc gia đang phải giải quyết các mối quan hệ thương mại và kiểm soát việc phân phối sản phẩm qua các bên thứ ba.
Một số công ty dầu khí lớn tại Mỹ đang phải đối diện với nhiều nghi vấn về việc phân phối sản phẩm của mình đến Nga, trong khi phía Kremlin phụ thuộc mạnh mẽ vào doanh thu mảng dầu khí để tài trợ cho quân đội - báo Guardian nhận định.
Đầu tháng 9-2023, thượng nghị sĩ Bob Menendez đứng đầu Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Mỹ đã viết thư cho Halliburton và các công ty dầu khí Mỹ khác như SLB và Baker Hughes, bày tỏ ông “cực kỳ lo lắng” vì nhiều báo cáo cho thấy các công ty này vẫn tiếp tục giao dịch với Nga dưới nhiều cấp độ.
Sau 9 tháng kể từ tháng 2-2022 khi cuộc chiến tại Ukraine bùng nổ, phía Baker Hughes mới bán đi mảng kinh doanh dịch vụ mỏ dầu của mình tại Nga. Tháng 7-2023, SLB thông báo sẽ ngừng xuất khẩu công nghệ đến Nga.
Ông Menendez cho rằng người đứng đầu của các công ty này đã cố gắng “tìm kiếm lợi nhuận” thay vì thể hiện sự đoàn kết với Ukraine.
TTO - Các công ty dầu khí Mỹ đã kiếm được hơn 200 tỉ USD lợi nhuận kể từ khi cuộc chiến Ukraine nổ ra. Ngành công nghiệp vũ khí của Mỹ cũng hưởng lợi nhiều từ cuộc chiến này với doanh thu hơn 82 tỉ USD.