Thị giá "trà đá", chi trả cổ tức cao
Công ty cổ phần cơ khí Phổ Yên (FBC) gây chú ý khi chốt chi cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt tỉ lệ 120%, tương đương mỗi cổ phiếu nhận 12.000 đồng. Ngày đăng ký cuối là 25-9-2023, thanh toán từ 27-10-2023.
Công ty này tiền thân là Nhà máy cơ khí Phổ Yên, chuyên sản xuất phụ tùng, phụ trợ cho xe có động cơ, vốn điều lệ 37 tỉ đồng. Cổ đông lớn nhất là Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) với 51% vốn.
Dù đều đặn chi cổ tức tiền mặt tỉ lệ khá cao nhiều năm nay, song giá mỗi cổ phiếu FBC vẫn chỉ lình xình ở mức 3.700 đồng/cổ phiếu thời gian dài.
Năm nay, FBC đặt mục tiêu doanh thu 1.138 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 60 tỉ đồng. Mức này đi lùi so với kết quả năm ngoái đạt được. Cụ thể, doanh thu thuần năm 2022 đạt 1.309 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 65 tỉ đồng.
Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng công trình Hàng hải (TVH) cũng mới thông báo ngày đăng ký cuối nhận cổ tức 2022 bằng tiền mặt.
Tỉ lệ là 36% mỗi cổ phiếu, tức 3.600 đồng. Thời gian trả từ 23-10 tới.
Kết phiên ngày 15-9, thị giá mỗi cổ phiếu TVH 14.000 đồng. Mức này đã giảm mạnh so với thời đỉnh hồi tháng 10-2022 (34.700 đồng/cổ phiếu).
Việc chi trả cổ tức tỉ lệ cao diễn ra trong bối cảnh doanh thu năm 2022 của TVH đạt gần 115 tỉ đồng, tăng gần 10% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 24 tỉ đồng, gấp đôi cùng kỳ.
Năm 2023, TVH đặt mục tiêu tổng doanh thu 138 tỉ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế 33 tỉ đồng và chi cổ tức bằng tiền thấp nhất 30% vốn điều lệ.
Công ty này có vốn điều lệ hơn 40 tỉ đồng, từng chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Hiện Tổng công ty Hàng hải Việt Nam nắm giữ 51% vốn điều lệ.
Lãi gấp mấy lần, Petrolimex chi cổ tức thấp hơn nhiều năm gần đây
Một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xăng dầu là Petrolimex (PLX ) cũng thông báo 22-9 là ngày đăng ký cuối cùng nhận cổ tức năm 2022.
“Ông lớn” ngành xăng dầu này chốt chi trả cổ tức năm 2022 bằng tiền với tỉ lệ 7%, tương đương 1 cổ phiếu nhận về 700 đồng. Thời gian thanh toán 10-10-2023.
Với gần 1,3 tỉ cổ phiếu đang lưu hành, PLX sẽ chi hơn 900 tỉ đồng để trả cổ tức. Mấy năm gần đây, PLX đều trả cổ tức bằng tiền tỉ lệ 10% trở lên, cá biệt năm 2016 PLX còn ở mức 32,24%.
Về kết quả kinh doanh, nửa đầu năm 2023, “ông lớn” ngành xăng dầu ghi nhận doanh thu thuần đạt 133.182 tỉ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế lại đạt 1.558 tỉ đồng, gấp 5 lần. Lãi tăng cao được lý giải do nguồn cung xăng dầu ổn định...
2 doanh nghiệp chi tạm ứng cổ tức 2023 bằng tiền dù lợi nhuận suy giảm
Ngoài những doanh nghiệp chi trả cổ tức 2022, nhiều nơi còn công bố việc trả cổ tức sớm năm 2023. Trong đó, kết quả kinh doanh nửa năm là một trong những cơ sở để các doanh nghiệp tạm ứng.
Như Tổng công ty Idico (IDC) chốt sẽ tạm ứng cổ tức bằng tiền năm 2023 cho các cổ đông với tỉ lệ 20%, tức mỗi cổ phiếu nhận 2.000 đồng. Ngày cuối đăng ký danh sách là 29-9 tới, còn ngày thanh toán là 13-10.
Tuy nhiên về hiệu quả kinh doanh, doanh thu trong nửa đầu năm 2023 của Idico đạt 3.554 tỉ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ. Còn lợi nhuận sau thuế đạt 837 tỉ đồng, giảm 52%.
Một doanh nghiệp khác cũng chốt quyền chi tạm ứng cổ tức 2023 bằng tiền là Tổng công ty Viglacera (VGC) với tỉ lệ 10%.
Về hiệu quả kinh doanh, 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Viglacera giảm tới 46% so với cùng kỳ, đạt 777 tỉ đồng.
Trên thị trường, mỗi cổ phiếu VGC đang giao dịch ở mức 51.400 đồng, tăng gần 19% sau 1 tháng, tiến dần về mức đỉnh đã lập cách đây gần 1 năm (58.177 đồng/cổ phiếu).
Tính tới cuối tháng 6 năm nay, Công ty cổ phần Hạ tầng Gelex vẫn là cổ đông lớn chiếm 50,21% vốn, tiếp theo Bộ Xây dựng 38,58%. Như vậy, các cổ đông này có thể lần lượt thu về hơn 220 tỉ đồng và gần 173 tỉ đồng cổ tức từ VGC.
VPBank sẽ thực hiện chi trả gần 8.000 tỉ đồng cổ tức bằng tiền mặt năm 2022 cho các cổ đông trong quý 2 hoặc 3 năm nay. Lãnh đạo ngân hàng này còn dự kiến duy trì trả cổ tức trong ít nhất 5 năm tới.