Tòa nhà Quốc hội Ấn Độ do hai kiến trúc sư người Anh Edwin Lutyens và Herbert Baker xây dựng hai thập niên trước khi nước này giành độc lập vào năm 1947.
Công trình kiến trúc này đã chứng kiến sự ra đời đầy gian nan của nền cộng hòa hiện tại, cũng như trở thành một phần của nền dân chủ Ấn Độ.
Kể từ ngày 19-9, tòa nhà này sẽ trở thành một bảo tàng. 788 nghị sĩ Quốc hội sẽ chuyển đến tòa nhà mới ở ngay bên cạnh.
"Hôm nay là dịp để hồi tưởng hành trình 75 năm Quốc hội của Ấn Độ, trước khi chuyển sang tòa nhà mới khánh thành", Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu ngày 18-9.
Vào tháng 5 vừa qua, ông Modi đã khánh thành tòa nhà Quốc hội mới. Công trình này là một phần của khu phức hợp Central Vista ở thủ đô New Delhi.
Tòa nhà mới có bốn tầng, sức chứa khoảng 1.272 người. Công trình hình tam giác này được xây dựng với chi phí ước tính khoảng 120 triệu USD.
Đây là một phần trong kế hoạch cải tạo các văn phòng và nhà ở thời thuộc Anh ở trung tâm New Delhi, trị giá 2,8 tỉ USD. Dự án bao gồm các khối nhà dành cho các bộ và ban ngành Chính phủ, cũng như dinh thự riêng mới của ông Modi. Toàn bộ dự án, được gọi là Central Vista, trải dài trên 3,2km.
"Chia tay tòa nhà Quốc hội cũ là khoảnh khắc rất xúc động", ông Modi chia sẻ.
Bài phát biểu của ông Modi đánh dấu sự khởi đầu của một phiên họp đặc biệt kéo dài 5 ngày. Hiện chưa có thông tin về các dự luật được đưa ra thảo luận.
Ấn Độ sắp đổi tên nước?
Tại Hội nghị G20 vừa qua ở New Delhi, Thủ tướng Modi sử dụng bảng tên "Bharat" thay vì "India" trong tiếng Anh như trước đây và dùng tên mới của Ấn Độ khi phát biểu.
Tên Bharat có nguồn gốc từ Bharata, tên Ấn Độ trong một số ngôn ngữ của nước này. Truyền thông địa phương cho hay trong phiên họp Quốc hội từ ngày 18 đến 22-9, chính phủ của Thủ tướng Modi sẽ trình nghị quyết đổi tên Ấn Độ thành Bharat.
13,5 triệu người dân New Delhi (Ấn Độ) đối diện cảnh mất nhà cửa khi chính quyền tiến hành phá các khu ổ chuột trước thềm Thượng đỉnh G20.