Như Thanh Niên đã thông tin, Chính phủ vừa yêu cầu Bộ GD-ĐT sớm nghiên cứu, công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 bảo đảm gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực, giảm áp lực, giảm chi phí và tạo sự đồng thuận xã hội.
Bộ GD-ĐT trước đó đã đưa ra 2 phương án (PA) để khảo sát ý kiến:
PA 1: thi 6 môn, gồm 4 môn bắt buộc (toán, ngữ văn, lịch sử, ngoại ngữ) và 2 môn tự chọn (trong số các môn học sinh (HS) chọn học ở lớp 12).
PA 2: thi 5 môn, gồm 3 môn bắt buộc (toán, ngữ văn, ngoại ngữ) và 2 môn tự chọn trong số các môn đã được học (bao gồm lịch sử). HS học chương trình giáo dục thường xuyên không thi môn ngoại ngữ.
Các nhà quản lý, giáo viên và HS trường THPT đã bày tỏ quan điểm về 2 PA này.
Thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM), bày tỏ: "Tôi ủng hộ PA 1 bởi lẽ lịch sử là môn học bắt buộc như toán, ngữ văn, ngoại ngữ". Ông Đăng Du đồng thời đề xuất Bộ GD-ĐT nên công khai kết quả khảo sát ý kiến một cách minh bạch để khi chính thức đưa ra PA thi tốt nghiệp THPT thì "ai cũng tâm phục khẩu phục".
Trong khi đó, thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), bảo lưu quan điểm về lựa chọn PA 2. Theo ông Phú, không nhất thiết lịch sử là môn bắt buộc thì HS phải thi THPT môn này. Bên cạnh đó, HS sẽ thoải mái hơn với PA 2 vì các em có thể chủ động, linh hoạt trong việc lựa chọn môn thi theo định hướng nghề nghiệp, phát huy năng lực, tư duy cá nhân.
Một hiệu phó trường THPT tại H.Cần Giờ cho biết: "Ban giám hiệu đã tiến hành thăm dò ý kiến HS và giáo viên toàn trường về PA thi tốt nghiệp từ năm 2025. Đương nhiên, điều dễ hiểu là HS chọn PA 2".
Phương án 1 hay 2?
Khá nhiều bạn đọc (BĐ) chọn PA 2, vì sao? BĐ Nhat Vu giải thích: "Thi tốt nghiệp theo PA 2 là hợp lý. Cần giảm căng thẳng cho các HS ban khoa học tự nhiên. Ban này đang rất ít HS lựa chọn do học quá vất vả khi phải thi tổ hợp lý, hóa, sinh để đỗ tốt nghiệp. Ban khoa học tự nhiên ít HS chọn sẽ ảnh hưởng đến nguồn nhân lực để phát triển đất nước trong tương lai. Mong Bộ GD-ĐT có chính sách hợp lý". BĐ Thanh Nguyễn thì lý giải: "Tôi và nhiều bạn bè cùng lớp đều chọn PA 2. Thứ nhất, càng ít môn thi càng tốt; HS đã bị áp lực quá nhiều rồi. Thứ hai, môn lịch sử là môn tự chọn. Tôi không cho rằng môn lịch sử không quan trọng, nhưng môn học này nếu là môn bắt buộc thì rất căng thẳng".
Chọn PA 1, BĐ Cường phân tích: "Thật ra thi 6 môn là nhiều quá. Nhưng tôi ủng hộ môn lịch sử là một trong 4 môn bắt buộc. Hãy xem HS, và cả người lớn nữa, nhiều người khá lơ mơ về lịch sử nước nhà. Dân ta phải biết sử ta, nhưng bao nhiêu người dám nói mình biết rành rẽ về lịch sử nước mình? Môn lịch sử không khô khan và khó nhằn đâu, nếu thầy cô dạy hay, học trò biết cách học thì sẽ yêu thích ngay".
BĐ Cao Nguyễn Bảo Phúc không bày tỏ sự lựa chọn PA nào, mà cho biết: "Theo thông tin này thì phần nào biết kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ thi theo môn, có môn bắt buộc, môn tự chọn. HS, giáo viên phần nào yên tâm rồi. Nhưng vẫn mong Bộ GD-ĐT sớm công bố số lượng cụ thể môn tự chọn, môn bắt buộc, để còn chuẩn bị".
Những đề xuất khác
Không chọn cả PA 1 lẫn PA 2, nhiều BĐ có những đề xuất khác. BĐ danhvsg cho rằng: "Theo tôi, chỉ cần xét điểm trung bình cả năm để tốt nghiệp. Còn thi ĐH thì thi tối đa 3 môn theo định hướng ban đầu của các trường ĐH để xét tuyển ĐH".
Cùng quan điểm, BĐ Thảo cho rằng: "PA nào thi ít môn nhất là tốt nhất. Đề nghị chỉ thi 4 môn thôi, để giảm áp lực thi cho HS". BĐ Tien Minh cũng cho biết: "Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2023 là 98,88% (kết quả sơ bộ). Các năm trước là năm 2022: 98,57%, năm 2021: 98,34%... Tỷ lệ đỗ cao như vậy thì theo tôi, nên xét tốt nghiệp THPT cho đỡ tốn kém tiền bạc, thời giờ và đỡ áp lực cho nhiều người, và chỉ tổ chức thi ĐH, CĐ thôi. Trường nào có yêu cầu gì thì thi theo yêu cầu nấy".
Nhiều BĐ cũng cho rằng nên có sự ổn định về kỳ thi tốt nghiệp THPT trong nhiều năm, để tạo sự an tâm cho HS, phụ huynh, nhà trường và xã hội. BĐ Đào Thanh Huy góp ý: "Nếu thông qua thì PA thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 thì sẽ bắt đầu từ năm 2025 và kéo dài đến năm 2030? Mong là sẽ ổn định lâu dài chứ không phải mỗi năm mỗi thay đổi".