Sau phiên đấu giá 11 biển số ô tô "siêu đẹp" hôm 15-9, Bộ Công an cho biết tổng số tiền trúng đấu giá dự kiến thu về là hơn 82,3 tỉ đồng.
Trong trường hợp toàn bộ số tiền trên được thu về thành công, không có người bỏ cọc, việc đấu giá biển số ô tô cho thấy các đơn vị chức năng đã khai thác được kho tài nguyên lớn. Vậy các khoản tiền thu về sẽ được sử dụng ra sao?
Thù lao dành cho đơn vị tổ chức đấu giá tài sản
Theo thông báo số 36/TB-BCA-C08 ngày 12-7 của Bộ Công an, đơn vị được lựa chọn tổ chức đấu giá biển số xe là Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam, doanh nghiệp này có trụ sở tại phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội.
Đồng thời, tại quyết định số 4911/QĐ-BCA-C08 của Bộ Công an về việc phê duyệt kế hoạch đấu giá biển số xe ô tô, đối với mỗi biển số xe ô tô được đấu giá thành, thù lao dịch vụ thanh toán cho tổ chức đấu giá tài sản được tính bằng 8% giá khởi điểm, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và chi phí đấu giá.
Mức giá khởi điểm cũng được nêu rõ trong văn bản này là 40 triệu đồng/biển số. Như vậy, số tiền thù lao nhận được của đơn vị tổ chức đấu giá không phụ thuộc vào mức giá đấu thành công của mỗi biển số.
Đồng thời, ngoài thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá thanh toán cho tổ chức đấu giá tài sản là 10.000 đồng/biển số ô tô.
Như vậy, đối với 11 biển số được đưa ra đấu giá hôm 15-9, công ty đấu giá sẽ nhận được 35,2 triệu đồng (thù lao dịch vụ thanh toán) và 110.000 đồng (chi phí đấu giá).
Sử dụng tiền trúng đấu giá ra sao?
Tại nghị định số 39/2023 của Chính phủ về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô, Bộ Công an được giao mở một tài khoản chuyên thu để thu tiền trúng đấu giá. Tiền lãi phát sinh (nếu có) trên số dư tài khoản chuyên thu của Bộ Công an nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước.
Đồng thời, số tiền bán đấu giá biển số ô tô cũng được Chính phủ quy định nộp toàn bộ vào ngân sách trung ương.
Sau đó, tại thời điểm lập dự toán ngân sách nhà nước hằng năm, căn cứ vào tiến độ thực hiện và nhu cầu kinh phí, Bộ Công an sẽ xây dựng dự toán tương ứng với 30% số tiền thu được từ đấu giá biển số xe năm trước đã nộp ngân sách nhà nước.
Con số 30% này được dùng phục vụ cho công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đấu tranh phòng chống tội phạm, đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, tập huấn nâng cao trình độ cho cán bộ thực hiện công tác đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và đảm bảo an ninh trật tự.
Chính phủ cũng yêu cầu chậm nhất ngày 20 hằng tháng, Bộ Công an (hoặc cơ quan được Bộ Công an giao quản lý thu, nộp tiền bán đấu giá) sẽ phải kê khai, nộp tiền bán đấu giá thu được tháng trước với cơ quan thuế.
Các khoản chi phí tổ chức đấu giá sẽ do Bộ Công an phê duyệt.
Tiếp tục đấu giá 36 biển số trong ngày 21 và 22-9
Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam ngày 17-9 cho biết doanh nghiệp này sẽ tổ chức phiên đấu giá biển số tiếp theo vào ngày 21 và 22-9 tới. Trong 2 ngày này sẽ có tổng cộng 36 biển số ô tô được đưa ra đấu giá.
Cụ thể, sáng 21-9, 9 biển số đẹp được đưa lên sàn trong các khung giờ gồm: 20A-688.88, 68A-299.99, 49A-599.99 (8h - 9h); 17A-368.88, 18A-388.88, 37K-222.22 (9h15 - 10h15); 64A-166.66, 34A-699.99, 30K-566.66 (10h30 - 11h30).
Chiều cùng ngày, 9 biển số được đưa ra đấu giá là: 51K-777.99, 35A-355.55, 98A-666.88 (13h30 - 14h30); 60K-399.99, 88A-633.33, 14A-822.88 (14h45 - 15h45); 75A-333.33, 30K-568.68, 82A-123.45 (16h - 17h).
Tiếp đó ngày 22-9, 18 biển số tiếp tục lên sàn gồm: 66A-234.56, 51K-868.68, 20A-686.88 (8h - 9h); 35A-366.66, 99A-668.68, 61K-268.68 (9h15 - 10h15); 81A-367.89, 51K-777.77, 15K-166.88 (10h30 - 11h30).
Chiều cùng ngày sẽ là: 43A-777.79, 90A-222.22, 36A-989.99 (13h30 - 14h30); 30K-568.88, 66A-233.33, 92A-366.66 (14h45 - 15h45); 38A-555.55, 25A-068.68, 51K-888.68 (16h - 17h).
Nghị định 39 quy định, người trúng đấu giá biển số xe ô tô trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả phải nộp toàn bộ tiền trúng đấu giá.