Theo tờ Fortune, Elon Musk và hãng Tesla sẽ là người được hưởng lợi nhiều nhất từ rắc rối người lao động biểu tình trong ngành ô tô truyền thống hiện nay tại Mỹ.
Đồng quan điểm, tờ New York Times (NYT) nhận định việc các hãng xe hơi truyền thống vội vàng cắt giảm chi phí để dịch chuyển sang mảng xe điện đã khiến các công đoàn biểu tình đòi đảm bảo việc làm cũng như quyền lợi ở Detroit, nơi tập trung nhà máy của các thương hiệu lớn như Ford, GM hay Fiat Chrysler.
Thế nhưng chính động thái này lại có khả năng giúp Tesla kiếm thêm thị phần khi trì hoãn kế hoạch “điện hóa” của các hãng ô tô truyền thống.
Xin được nhắc là cho đến hiện tại, Tesla vẫn là hãng xe hơi lớn duy nhất ở Mỹ không có đại diện công đoàn cho người lao động.
Tính đến tháng 1/2023, Tesla có hơn 127.000 nhân viên trên toàn cầu và thường xuyên bị tố cáo vì tỷ lệ thương tật cao trong các nhà máy, số giờ làm quá tải, thu nhập thấp và bất kỳ cố gắng xây dựng công đoàn nào đều bị Elon Musk bác bỏ.
Theo Fortune, chính những “điểm yếu” này của Tesla giờ đây đã trở thành lợi thế khi hãng không bị trì hoãn bởi các cuộc biểu tình đòi quyền lợi của công đoàn bất chấp môi trường lao động khắc nghiệt.
Thậm chí báo cáo của Wedbush Securities còn nhận định Elon Musk chắc chắn đang là “người chiến thắng với ly rượu mừng đổ đầy đá”.
“Nếu cuộc biểu tình kéo dài hơn 4 tuần thì công cuộc chuyển đổi sang xe điện của các hãng như GM, Ford hay Stellantis sẽ bị kéo dài sang tận năm 2024. Đồng thời sự chậm trễ này sẽ tạo nên quãng thời gian khủng hoảng chí mạng cho các thương hiệu trên”, báo cáo của Wedbush ghi rõ.
Những yêu cầu của công đoàn lao động Detroit như tăng 40% lương để bù đắp lạm phát có thể khiến các ông lớn ngành ô tô càng khó cạnh tranh về giá so với Tesla hơn. Hãng Ford cho biết đề nghị này sẽ gia tăng gấp đôi chi phí lao động của công ty, vốn đã cao hơn đáng kể so với Tesla, Toyota cùng nhiều nhà sản xuất xe hơi nước ngoài khác.
Không đồng quan điểm, đại diện công đoàn Shaw Fain của UAW phản bác rằng chi phí lao động chỉ chiếm 5% tổng giá thành của mộ chiếc xe nên các doanh nghiệp thừa sức tăng lương gấp đôi mà không tăng giá bán, đồng thời vẫn thu lợi nhuận hàng tỷ USD.
Số liệu của Viện chính sách kinh tế (EPI) cho thấy mức lương lao động ngành ô tô Mỹ sau khi điều chỉnh lạm phát đã giảm 19% kể từ năm 2008.
Mất vị thế
Tờ NYT cho hay gần 13.000 lao động đã biểu tình ở 3 nhà máy xe hơi tại Ohio, Michigan và Missouri để đòi quyền lợi sau khi công đoàn đàm phán thất bại về việc tăng lương. Những người biểu tình đòi tăng 40% trong vòng 4 năm tới, nhưng phía doanh nghiệp chỉ chấp nhận con số 20%.
Tuy nhiên theo NYT, vấn đề không chỉ nằm ở mức lương mà còn là khả năng mất việc làm khi cuộc cách mạng xe điện diễn ra.
Lao động ngành ô tô nhận thức được rằng xe điện cần ít kinh kiện hơn, có thể lắp ráp tự động với ít nhân công hơn so với ô tô xăng và điều này đồng nghĩa rất nhiều người sẽ thất nghiệp, bị sa thải. Những mảng như thiết bị cách âm, bộ chuyển số...trên xe xăng truyền thống nhưng không cần với ô tô điện sẽ bị đóng cửa.
Nói đơn giản là người lao động sẽ dần mất vị thế khi ngành xe điện bùng nổ, buộc họ phải có hành động. Chính yếu tố này đã thúc đẩy các công đoàn phải vào cuộc để “thị uy” cũng như đảm bảo quyền lợi người lao động trước diễn biến phức tạp của thị trường.
“Cuộc cách mạng xe điện đang ảnh hưởng đến mọi mặt của đàm phán với công đoàn lần này. Dù chúng không được nói ra nhưng sự thật là vai trò của người lao động lẫn công đoàn sẽ bị sắp xếp lại trước ngành ô tô điện”, giám đốc John Casesa của Guggenheim Partners, đồng thời là cựu giám đốc chiến lược của Ford Motor nói.
Tờ NYT cho hay các hãng ô tô truyền thống đang đổ hàng tỷ USD nhằm thay đổi chuỗi cung ứng, sản xuất của mình sang xe điện nhưng trớ trêu thay, lợi nhuận từ mảng này rất nhỏ trong khi Tesla lại ngày càng tăng trưởng.
Chính điều này khiến nhiều hãng xe phải xem xét thắt chặt chi tiêu hơn trong quá trình chuyển đổi và người lao động nhiều khả năng sẽ là đối tượng chịu thiệt trước tiên.
Tháng 7/2023, Ford thông báo mảng xe điện của hãng có thể lỗ đến 4,5 tỷ USD trong năm nay, đồng thời cho biết nếu đáp ứng đề nghị của công đoàn thì lao động của họ sẽ có phúc lợi cao gấp đôi so với nhân viên Tesla.
Thậm chí, chính CEO Jim Farley của Ford còn cảnh báo việc đáp ứng đề nghị này sẽ buộc hãng phải cắt giảm đầu tư cho ngành xe điện để trang trải ngân sách.
“Chúng tôi muốn có một cuộc thảo luận cho tương lai dài hạn bền vững chứ không phải kiểu ép công ty lựa chọn giữa làm xe điện và tăng lương cho lao động như thế này”, CEO Farley bức xúc.
*Nguồn: NYT, Fortune