Theo đó, chỉ có một cơ quan quyền lực tại địa phương là Hội đồng nhân dân (HĐND) TP, không tổ chức HĐND ở quận, phường.
Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện NQ 119 vừa tổ chức sơ kết và đã đạt được những kết quả quan trọng, ông Lương Nguyễn Minh Triết - ủy viên dự khuyết trung ương Đảng, phó bí thư TT Thành ủy, chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng - cho biết thêm về giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND TP.
HĐND TP hiện có 51 đại biểu. Nhiệm kỳ 2021 - 2026, TP thực hiện NQ 119 thì có 6 quận và 45 phường không còn tổ chức HĐND. Với khối lượng nhiệm vụ, quyền hạn tăng lên khá nhiều, HĐND TP đã tập trung đổi mới phương thức hoạt động theo hướng mở rộng phạm vi, nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp và hiệu quả để phù hợp với mô hình chính quyền đô thị, đặc biệt là công tác giám sát hoạt động của UBND các phường, quận, Tòa án nhân dân quận, Viện kiểm sát nhân dân quận.
Ngay sau bầu cử HĐND TP đã chủ động kiện toàn, tổ chức bộ máy theo hướng coi trọng tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu, tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách. Thứ hai, HĐND đã kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, quy định trong tổ chức hoạt động, đặc biệt ban hành Nghị quyết 24/NQ-HĐND ngày 14-7-2022 về quy định một số hoạt động giám sát của thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND TP.
Ba là hoạt động giám sát, HĐND TP tập trung đổi mới hướng về cơ sở, các vấn đề bức xúc, vấn đề cử tri quan tâm để lựa chọn, xây dựng các chuyên đề giám sát sát với thực tiễn. Trung bình mỗi năm, HĐND TP giám sát từ 2-3 chuyên đề; thường trực HĐND TP giám sát từ 4-6 chuyên đề; mỗi Ban giám sát từ 4-5 chuyên đề, các tổ đại biểu giám sát 2-3 chuyên đề…trên nguyên tắc đảm bảo tính "toàn diện, chất lượng và không chồng chéo". Bên cạnh đó, mỗi năm thường trực HĐND xem xét, tổ chức làm việc, giám sát qua 51 báo cáo quận, phường và 28 báo cáo của các cơ quan tư pháp 2 cấp TP.
Đặc biệt, duy trì tổ chức Chương trình "HĐND với cử tri" giữa các kỳ họp thường kỳ theo hình thức truyền hình trực tiếp, đây là hình thức đổi mới trong giám sát giữa hai kỳ họp, là diễn đàn mà cử tri và nhân dân TP rất quan tâm hiện nay.
Nâng cao chất lượng thảo luận, bàn bạc quyết định các vấn đề tại các kỳ họp HĐND TP. Từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, đã tổ chức 12 kỳ họp, thông qua 210 nghị quyết và cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng khác. Các chủ trương, nghị quyết của HĐND TP được ban hành, đảm bảo đúng quy trình, bám sát thực tiễn, đi vào cuộc sống, tạo được sự đồng thuận của nhân dân.
* Với những thay đổi tổ chức khi thực hiện NQ 119, hoạt động của HĐND TP đã được đồng bộ và hiệu quả hơn, thưa ông ?
- Qua gần 3 năm triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị, từ thực tiễn hoạt động của HĐND TP, nhận thấy mô hình chính quyền đô thị có những ưu việt, hiệu quả, nổi bật như: Tổ chức bộ máy tinh gọn hơn, tiết kiệm chi thường xuyên và giảm thủ tục hành chính so với trước đây; việc phát huy dân chủ của người dân được bảo đảm; tính năng động, chủ động trong hoạt động của chính quyền được thể hiện khá tốt; trách nhiệm cá nhân, nhất là của người đứng đầu UBND quận, phường được nâng cao; việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù đã góp phần bảo đảm nguồn lực cho TP thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.
Hoạt động của HĐND TP được đổi mới ngày càng được đồng bộ, hiệu quả hơn và phù hợp, đáp ứng yêu cầu trong việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị; thực hiện tốt vai trò, chức năng, là cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương, góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng, phát triển TP.
Các Nghị quyết của HĐND TP thông qua là những cơ chế, chính sách có ý nghĩa quan trọng, tác động sâu rộng và trực tiếp đến sự phát triển kinh tế xã hội và cuộc sống người dân TP, tạo cơ sở quan trọng cho việc quản lý, điều hành của các cấp, các ngành, đồng thời đi vào cuộc sống và tạo được sự đồng thuận của Nhân dân trong triển khai thực hiện.
* Thưa ông, để thực hiện thí điểm NQ 119 thời gian còn lại thì HĐND TP tập trung những công tác nào ?
Thường trực HĐND TP cũng đã đánh giá về kết quả, những thuận lợi, tính ưu việt của mô hình chính quyền đô thị, làm rõ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời đề xuất nhiều nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả hơn mô hình chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng.
Đồng thời, HĐND TP đã và đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách mới, đột phá, giúp cho Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ hơn, đáp ứng yêu cầu "Xây dựng TP Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á…thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung Tây Nguyên" theo Nghị quyết số 43-NQ/TW và Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị đã đề ra.
Thường trực HĐND TP đề nghị tăng số lượng đại biểu chuyên trách của HĐND TP theo hướng bổ sung số lượng ủy viên chuyên trách của các Ban HĐND TP (tối thiểu 2 ủy viên/1 Ban) để HĐND TP có điều kiện nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động giám sát.
Tiếp tục nâng cao hoạt động của HĐND TP trong thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của mình, trong đó tập trung: HĐND TP tiếp tục nâng cao chất lượng tổ chức các kỳ họp, tăng số lượng các kỳ họp chuyên đề để giải quyết nhanh hơn các yêu cầu nhiệm vụ phát triển KTXH của thành phố thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND; tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát của HĐND, thường trực, các Ban, các tổ đại biểu, nhất là giám sát chuyên đề, đảm bảo giám sát toàn diện, chuyên sâu; chú trọng việc tiếp xúc cử tri chuyên đề, tổ chức hiệu quả Chương trình "HĐND với cử tri" đảm bảo ít nhất 2 lần trong năm nhằm kịp thời đề nghị các cấp, các ngành giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc cử tri quan tâm; thực hiện tốt việc đôn đốc, giám sát hoạt động đối thoại với nhân dân của chủ tịch UBND quận, chủ tịch UBND phường; tiếp tục thực hiện tốt Quy chế phối hợp công tác giữa Thường trực HĐND TP với Đoàn ĐBQH, UBND, Ủy ban MTTQVN TP.