Chiều 18-9 (giờ địa phương), trong khuôn khổ chuyến công tác Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao đã tới thăm Công ty Synopsys và Nvidia tại Thung lũng Silicon (San Francisco, bang California).
Thúc đẩy mở Viện nghiên cứu bán dẫn Việt Nam
Theo giới thiệu của doanh nghiệp, Synopsys nằm trong nhóm S&P 500 với các sản phẩm đang phục vụ nhu cầu của các tập đoàn như Meta, Samsung.
Đây là một trong những công ty có nhiều nhân viên người Việt tại Thung lũng Silicon. Biết tin Thủ tướng đến, nhiều nhân viên người Việt đã đón chờ từ sớm.
Chia sẻ tại cuộc gặp, lãnh đạo Synopsys cho biết công ty đã hiện diện tại Việt Nam từ năm 2006 và chỉ một thời gian ngắn sau đó đã có hơn 500 kỹ sư công nghệ hàng đầu của công ty là ở Việt Nam.
Tuy nhiên, mục tiêu của công ty không chỉ dừng lại ở thiết kế chip mà còn mong muốn tạo hệ sinh thái bán dẫn toàn cầu. Với tầm nhìn như vậy, Synopsys đã định hướng xem Việt Nam là một cứ điểm quan trọng của công ty ngoài trụ sở chính tại Thung lũng Silicon.
Trước chứng kiến của Thủ tướng, lãnh đạo Synopsys và đại diện Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch.
Trong đó, Synopsys sẽ hỗ trợ NIC thành lập một trung tâm ươm tạo thiết kế chip tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), giúp nâng cao năng lực thiết kế vi mạch và rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường.
Lãnh đạo Synopsys cũng ký một bản ghi nhớ khác trước sự chứng kiến của Thủ tướng, trong đó cam kết hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam.
Là một phần của sự hợp tác, Synopsys cũng sẽ hỗ trợ Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông lập kế hoạch thành lập Viện nghiên cứu bán dẫn tại Việt Nam.
Phát triển hệ thống siêu tính toán bằng công nghệ Mỹ
Trong khi đó, Nvidia nằm trong nhóm S&P 100, với hơn 26.000 nhân viên trên toàn cầu, doanh thu đạt gần 27 tỉ USD.
Tại cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành nhiều thời gian trao đổi với ông Jensen Huang, người đồng sáng lập và hiện là chủ tịch của Nvidia, về xu hướng phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) toàn cầu.
Hai bên cũng thảo luận về tiềm năng hợp tác rất rộng mở, cũng như những góp ý cho chiến lược quốc gia về bán dẫn mà Việt Nam đang xây dựng.
Đặc biệt, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) đang nghiên cứu phát triển hệ thống siêu tính toán với chip A100 của Nvidia nhằm hỗ trợ triển khai các giải pháp AI mới nhất.
Hai bên dự kiến hoàn thiện các thủ tục nội bộ và ký kết thỏa thuận hợp tác về nghiên cứu - phát triển - chuyển giao và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn vào tháng 10 tới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ rất ấn tượng về sự phát triển của Nvidia, công ty do một người gốc châu Á sáng lập và vận hành.
Ông cũng mời chủ tịch Nvidia thăm và làm việc tại Việt Nam trong thời gian sớm nhất, mong Nvidia sớm có nhà máy sản xuất tại Việt Nam và lấy Việt Nam làm cứ điểm tại khu vực Đông Nam Á.
Về phần mình, ông Jensen Huang nhận xét Việt Nam đang có nhiều thay đổi lớn và rất mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam về bán dẫn, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo.
Ông khẳng định bản thân có nhiều kỳ vọng vào việc Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một cứ điểm sản xuất của tập đoàn này tại Đông Nam Á.
Meta sẽ sản xuất thiết bị cho "vũ trụ ảo" metaverse tại Việt Nam
Tối 18-9 (giờ địa phương), ngay trước khi rời San Francisco để đến thủ đô Washington D.C, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thăm Tập đoàn Meta.
Meta là công ty mẹ của Facebook, Instagram, Threads và WhatsApp cùng với các sản phẩm và dịch vụ khác.
Gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Joel Kaplan, phó chủ tịch Meta phụ trách chính sách công toàn cầu, nhấn mạnh thị trường Việt Nam rất lớn và tiềm năng.
Trước khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, Meta đã bắt đầu sản xuất tại Việt Nam một số thiết bị cho "vũ trụ ảo" metaverse. Đây là một thuật ngữ mới, chỉ môi trường tích hợp liên kết tất cả các sản phẩm và dịch vụ của công ty, được xem là tương lai của công nghệ số.
Tuy nhiên việc này đã bị gián đoạn do đại dịch. Do đó, tập đoàn muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam, tiếp tục sản xuất các thiết bị của metaverse cho những năm tới.
Trường ĐH FPT kết hợp Công ty CP Bán dẫn FPT (FPT Semiconductor) thành lập khoa vi mạch bán dẫn, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành này.