vĐồng tin tức tài chính 365

Chuyên gia: Tăng giá điện ở mức đủ chi phí để thu hút đầu tư

2023-09-19 19:02

Nhận định này được ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright Việt Nam đưa ra tại phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2023, chiều 19/9.

Theo ông Thành, ngày càng nhiều nguồn cung năng lượng mới vào hệ thống điện, và những loại này đắt hơn chi phí trung bình và giá điện hiện nay. Ước tính, nếu chi phí của năng lượng tái tạo là 5-7 cent một kWh, cộng với truyền tải, giá bán lẻ cần tăng lên mức 10-12 cent một kWh (gồm chi phí bán lẻ, phân phối). Trong khi đó, giá bán lẻ điện bình quân hiện là 1.920,37 đồng một kWh (tương đương khoảng 8 cent). Tức là, giá điện cần được cập nhật, tính toán đầy đủ các chi phí sản xuất mới, phát sinh.

"Đương nhiên khi tăng giá điện sẽ kéo theo phản ứng tiêu cực trong xã hội, nhưng sẽ không có chuyển đổi xanh, không thể nào phát triển năng lượng tái tạo mà không có lộ trình tăng giá điện ở mức đủ hấp dẫn đầu tư", giảng viên Trường Fulbright nói.

Việt Nam đang định hướng chuyển đổi sang kinh tế xanh, nên theo giảng viên Fulbirght, một trong ưu tiên chính sách là cần kiên quyết thực hiện lộ trình tăng giá điện và giá các năng lượng theo hướng tính đủ chi phí kinh tế, xã hội. Việc này nhằm hạn chế, hoặc ít nhất không ưu đãi với các ngành kinh tế thâm dụng điện năng và buộc doanh nghiệp phải đổi mới giải pháp kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fullbright Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2023, chiều 19/9. Ảnh: Hoàng Phong

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright Việt Nam, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2023, chiều 19/9. Ảnh: Hoàng Phong

Hiện, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh theo Quyết định 24/2017 khi có sự biến động các thông số đầu vào sản xuất (phát điện, truyền tải, phân phối bán lẻ, dịch vụ phụ trợ). Gần nhất, giá bán lẻ điện bình quân tăng 3% vào 4/5, lên mức 1.920,37 đồng một kWh.

Tại báo cáo thẩm tra vừa gửi Quốc hội về thực hiện các nghị quyết từ đầu nhiệm kỳ, Ủy ban Kinh tế cũng nhận xét, giá bán lẻ điện chưa theo kịp thực tế phát triển thị trường, không phản ánh kịp thời chi phí nhiên liệu đầu vào, cũng như khan hiếm cung - cầu điện. Theo đó, khung pháp lý cho việc tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh vẫn chưa được hoàn thiện. Các nhà máy điện tái tạo được xây dựng theo tư duy "giá FIT", gặp nhiều rủi ro khi tham gia chào giá trên thị trường điện cạnh tranh.

Mặt khác, chính sách về giá điện cũng bộc lộ bất cập, như chưa tách bạch các chi phí về giá phân phối điện, phí điều độ vận hành hệ thống... Điều này đặt ra yêu cầu cần luật hóa cơ chế điều chỉnh giá điện, theo cơ quan thẩm tra của Quốc hội.

PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng nêu quan điểm, cần chuyển giá điện sang vận hành theo giá thị trường, tương tự việc áp dụng nhanh cơ chế giá thị trường với gạo.

Ông phân tích, việc duy trì giá điện thấp theo kiểu "bao cấp" là nguyên chính gây căng thẳng cung – cầu, thậm chí xung đột trong đời sống. Bởi, việc này khuyến khích tiêu dùng điện giá rẻ, đồng nghĩa nền sản xuất công nghệ thấp trong khi không khuyến khích đầu tư phát triển nguồn điện.

"Logic giá điện thị trường được áp dụng trong bối cảnh thế giới chuyển sang thời đại năng lượng mới chứa đựng xu thế đưa Việt Nam thành một quốc gia có vị thế năng lượng toàn cầu", ông chia sẻ.

Ưu tiên nữa để kinh tế chuyển đổi xanh, theo ông Nguyễn Xuân Thành, là cần củng cố lưới điện, để truyền tải điện tái tạo từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ. Lưới điện cũng cần được đầu tư theo hướng "thông minh" để có thể phản ứng linh hoạt với những biến động của cung và cầu.

Thực tế, Quy hoạch điện VIII đưa ra tính toán tối ưu hóa nguồn lực đầu tư vào truyền tải, song chuyên gia nhìn nhận, nếu quá tiết kiệm trong đầu tư truyền tải điện sẽ dẫn tới hệ lụy mất cân đối về điện theo vùng miền, tạo ra khủng hoảng năng lượng trong ngắn hạn.

Ông nói thêm, cơ quan quản lý cũng cần đẩy nhanh đấu thầu giá điện cho các nhà sản xuất năng lượng tái tạo. Vì, điện mặt trời và gió (cũng như hydro) có chi phí vận hành thấp hoặc gần bằng không, còn lại chủ yếu là chi phí cố định, nên các nguồn phát này có lợi thế tự nhiên khi tham gia đấu thầu giá điện so với nguồn điện than hay khí đốt (vốn không thể trả giá thấp hơn chi phí nhiên liệu nếu không muốn bù lỗ).

"Các nhà sản xuất điện tái tạo luôn muốn có hợp đồng bao tiêu, nhưng họ cũng sẽ hài lòng với cơ chế đấu thầu giá điện công khai, minh bạch do trung tâm điều độ độc lập quản lý", ông nêu.

Trong lúc chưa thiết lập được cơ chế đấu thầu giá, giải pháp thay thế là hợp đồng bao tiêu dài hạn ở một mức giá xác định với các điều khoản giống các dự án năng lượng hóa thạch. Giải pháp này sẽ giúp các dự án năng lượng tái tạo dễ tiếp cận vốn vay ngân hàng cũng như các khoản vay quốc tế có chi phí thấp và dài hạn hơn. Tuy nhiên, loại hợp đồng này sẽ tăng gánh nặng cho Nhà nước bởi khi đó rủi ro sa thải công suất điện sẽ được chuyển từ các dự án năng lượng gió và mặt trời sang đơn vị mua điện.

Cuối cùng, Chính phủ cần có lộ trình phê duyệt rõ ràng với các dự án điện mới, nhất là dự án dùng nhiên liệu hóa thạch; phương án xử lý các dự án điện tái tạo đã cấp phép nhưng lỡ hẹn giá FIT ưu đãi.

Anh Minh

Xem thêm: lmth.6505564-ut-uad-tuh-uht-ed-ihp-ihc-ud-cum-o-neid-aig-gnat-aig-neyuhc/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Chuyên gia: Tăng giá điện ở mức đủ chi phí để thu hút đầu tư”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools