Những ngày gần đây, giá cà phê tại thị trường trong nước tăng mạnh, có thời điểm đạt gần 70.000 đồng/kg, mức cao nhất trong vòng 30 năm trở lại đây.
Dù giá tăng cao, nhưng sản lượng cà phê còn trong dân và nguồn dự trữ của các doanh nghiệp hiện đang rất ít. Do đó các chuyên gia dự báo, nhiều khả năng giá cà phê vẫn giữ mức cao trong thời gian tới.
Tỉnh Đắk Lắk - địa phương có diện tích trồng cà phê lớn nhất khu vực Tây Nguyên với hơn 213.000 hecta, sản lượng bình quân ước đạt trên 500.000 tấn. Tuy nhiên thời điểm này, hầu như bà con đã bán hết cà phê.
"Hiện tại không còn cà phê vì sau khi thu hoạch là mình bán luôn. Tùy theo năm, có năm giá không lên, mình không biết trước nên phải bán, lấy tiền đầu tư vụ cà phê tới", chị H'Duyên Buôn Yă, buôn Ko Tam, xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, chia sẻ.
Chế biến cà phê bột tại một nhà máy ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: TTXVN)
Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 710.000 hecta cà phê. Tuy nhiên do mất mùa, nên sản lượng niên vụ 2022 - 2023 ước đạt 1,65 triệu tấn, giảm khoảng 10% so với niên vụ trước. Đây cũng là một trong những lý do khiến giá cà phê tăng liên tục trong thời gian qua.
"Do thời vụ của các nước khác chưa tới, sản lượng đưa ra thị trường còn thấp. Thứ hai là chất lượng cà phê của Việt Nam tăng lên khá cao trong những năm vừa qua. Bên cạnh đó truy xuất nguồn gốc khá tốt, nên các thị trường khó tính họ rất thích sản phẩm có truy xuất nguồn gốc", ông Phan Thanh Bình, Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, cho biết.
Dự báo, cả năm 2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,72 triệu tấn cà phê, đạt kim ngạch hơn 4,2 tỷ tỷ USD. Dù sản lượng cà phê xuất khẩu không còn nhiều, nhưng với mức giá tăng kỷ lục như hiện nay, cũng là tín hiệu vui với ngành cà phê của Việt Nam cho niên vụ 2023 - 2024 sắp tới.
VTV.vn - Dự báo, các tháng cuối năm, khi vào vụ thu hoạch mới, giá cà phê sẽ vẫn ở mức cao vì nhu cầu tăng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.76684939191903202-iot-naig-ioht-gnort-oac-nav-eht-oc-ehp-ac-aig/et-hnik/nv.vtv