Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM ví như vậy khi kỳ họp hôm 19-9 thông qua gần 100 tờ trình, với hàng loạt dự án sau khi có nghị quyết 98 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
"Thời gian qua chỉ mới khởi động. Nay mọi phần việc đã sẵn sàng, con tàu đã chất đầy hàng và sẵn sàng để tăng tốc. Chúng ta ở trên con tàu cũ, những nhân viên cũ nhưng tâm thế, khí thế mới. Con tàu cũng được thay hộp số mới, động cơ mới, đường ray cũng thông thoáng hơn trước", ông Nên nhấn mạnh.
Thông qua "9 kiện hàng" nghị quyết 98
Trong số các nội dung thông qua có 9 nội dung cụ thể hóa chính sách nghị quyết 98. Đáng chú ý là nội dung chi thu nhập tăng thêm theo nghị quyết 98. Nghị quyết lần này mở rộng đối tượng hưởng thu nhập tăng thêm so với nghị quyết 03 năm 2018 (ban hành theo nghị quyết 54 năm 2017 của Quốc hội về cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM).
Theo đó người làm việc trong các tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp thuộc TP quản lý và công chức, viên chức đang công tác tại một số cơ quan trung ương có đóng góp tích cực cho TP và một số đối tượng khác sẽ được hưởng chính sách.
Theo nghị quyết, mức chi thu nhập tăng thêm tối đa là 1,8 lần mức lương ngạch, bậc, chức vụ và chi thu nhập tăng thêm không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý TP.
5 tháng cuối năm 2023, các đối tượng được chi thu nhập tăng thêm theo hệ số tối đa là 0,8 lần so với tiền lương ngạch bậc, chức vụ. Đối với các đối tượng được chi thu nhập tăng thêm theo mức tiền cụ thể sẽ có mức tối đa 3 triệu đồng/người/tháng.
Từ năm 2024 đến hết thời gian thí điểm của nghị quyết, UBND TP trình HĐND TP quyết định mức chi thu nhập tăng thêm theo hệ số và theo mức tiền cụ thể đối với các đối tượng trong dự toán ngân sách hằng năm.
Cùng với đó HĐND TP cũng thông qua đề án cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách phường, xã, thị trấn theo quy mô dân số, hoạt động kinh tế và đặc điểm địa bàn.
Các phường, xã, thị trấn quy mô từ đủ 30.000 dân trở lên sẽ tăng thêm 1 công chức và tăng thêm 2 công chức, 2 người hoạt động không chuyên trách đối với địa phương có từ đủ 50.000 người trở lên...
Hai chính sách về bộ máy nhằm cải thiện thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức TP, tạo động lực để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của TP làm việc hiệu quả.
Làm 5 dự án BOT trên đường hiện hữu
Tại kỳ họp, HĐND TP.HCM đã thông qua chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư cho hơn 85 dự án với hơn 55.000 tỉ đồng. 7 dự án trong đó thuộc dự án nhóm A.
Đáng kể đến danh mục 5 dự án nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu được áp dụng loại hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) sẽ triển khai trong giai đoạn 2023 - 2028.
Các dự án này được kỳ vọng sẽ khơi thông các cửa ngõ vào TP.HCM vốn quá tải, tắc nghẽn lâu nay. Nếu làm xong, các dự án giúp cải thiện năng lực thông hành, hạn chế tình trạng các phương tiện dừng chờ, rút ngắn thời gian lưu thông, phát huy hiệu quả khai thác tuyến đường.
Trong đó dự án quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương) dài gần 5,9km sẽ được mở rộng lên 53 - 60m. Dự án quốc lộ 1 (đoạn từ An Lạc đến ranh tỉnh Long An) dài 9,6km sẽ được mở rộng từ 4 lên 8 làn xe.
Dự án quốc lộ 22 (từ ngã tư An Sương đến đường vành đai 3) dài 9,1km sẽ mở rộng lên gần 40m. Trục đường bắc - nam (từ Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành) dài 8km được mở rộng từ 4 lên 10 làn xe và dự án cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến Nguyễn Văn Linh) dài 3,2km, rộng 30 - 40m.
Theo nghị quyết, TP.HCM bố trí vốn tham gia đầu tư 5 dự án này từ nay đến năm 2025 là hơn 8.300 tỉ đồng. Trước đó, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã đề xuất làm 5 tuyến đường theo hình thức BOT như trên với tổng mức đầu tư khoảng 37.000 tỉ đồng. Ngân sách TP chủ yếu bỏ ra chi phí giải phóng mặt bằng, với tỉ lệ từ 33 - 70% tùy mỗi dự án.
Một dự án khác được HĐND thông qua quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng là dự án đường vành đai 2 (đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp) với hơn 9.300 tỉ đồng bằng ngân sách TP. Dự kiến từ năm 2023 - 2027, dự án sẽ thực hiện, khi đó chủ trương khép kín đường vành đai 2 sẽ hoàn thành.
Chủ trương này được Thành ủy, HĐND TP.HCM, UBND TP.HCM chỉ đạo thực hiện nhưng 10 năm chưa hoàn thành. Việc khép kín đường vành đai 2 sẽ giúp giải quyết việc vận chuyển hàng hóa qua các cảng phía đông, đông bắc, phía nam TP như cảng Cát Lái, cảng Phú Hữu...
Đáng chú ý, khi làm dự án, TP sẽ xây dựng đường song hành đáp ứng 6 làn xe 2 bên với 34m, xây dựng 2 nhánh cầu Đường Xuồng trên đường song hành rộng 12,8m. Cùng với đó, xây dựng các nút giao với đường Dương Đình Hội, Tăng Nhơn Phú; xây dựng nút giao Bình Thái; nâng cấp, cải tạo mặt đường phạm vi đường Đặng Văn Bi, đường Đỗ Xuân Hợp và các đường nhánh...
Thu phí sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè từ ngày 1-1-2024
HĐND TP.HCM đã thông qua nghị quyết và TP.HCM sẽ chính thức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn từ ngày 1-1-2024.
Trong đó khu vực quận 1, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận, khu A khu đô thị mới Nam TP và khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ thu phí cao nhất 50.000 đồng/m²/tháng (không phải khu trung tâm) và 100.000 đồng/m²/tháng (tuyến đường trung tâm) cho các hoạt động kinh doanh, mua bán... (trừ hoạt động đỗ xe và trông giữ xe).
Riêng sử dụng vỉa hè, lòng đường để trông giữ xe sẽ chịu mức phí 350.000 đồng/m²/tháng đối với tuyến đường trung tâm và 180.000 đồng/m²/tháng cho các tuyến còn lại.
Nhiều doanh nghiệp có dự án mong UBND TP Thủ Đức nhanh chóng giải quyết hồ sơ, gỡ khó cho dự án, tránh việc hỏi ý kiến lòng vòng nhiều cơ quan mà không chốt được phương án giải quyết.