Ngày 20-9, ông Trần Văn Thi - giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông vận tải) - cho biết cùng ngày, Tổng công ty xây dựng số 1 - CTCP, nhà thầu thi công dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau, đã tiếp nhận một mỏ cát trên sông Tiền để khai thác theo cơ chế đặc thù nhằm phục vụ hai đoạn cao tốc này.
Theo ông Thi, hiện nay nhu cầu cát đắp nền đường phục vụ các dự án đường bộ cao tốc tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long rất lớn (khoảng 18,46 triệu m3). Trong khi đó nguồn cát trong khu vực đang gặp nhiều khó khăn, chưa có giải pháp thay thế hiệu quả.
"Tỉnh đã bố trí cho dự án 0,37 triệu m3 cát từ nguồn tăng công suất các mỏ đang khai thác. Và hôm nay, tiếp tục bàn giao mỏ cát trên sông Tiền tại huyện Châu Thành với trữ lượng khoảng 0,548 triệu m3 để phục vụ cho dự án", ông Thi cho biết.
Vẫn theo ông Thi, ngoài mỏ cát được bàn giao hôm nay, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận và các nhà thầu thi công đang phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp hoàn thiện các thủ tục theo quy định đối với bốn mỏ còn lại, với trữ lượng khai thác khoảng 2,8 triệu m3 để sớm đưa vào khai thác trong tháng 10.
Cùng với việc tăng công suất không quá 50% các mỏ đang khai thác để đảm bảo nguồn cung cho dự án trong năm 2023 là 3,3 triệu m3, UBND tỉnh Đồng Tháp đang rà soát các mỏ mới trên địa bàn tỉnh để giới thiệu cho nhà thầu thi công nhằm đảm bảo cung ứng đủ 7 triệu m3 cho dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Ngoài các mỏ cát tại tỉnh Đồng Tháp, hiện nay Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đang cùng với các nhà thầu phối hợp với các sở, ngành hai tỉnh An Giang, Vĩnh Long hoàn thiện các thủ tục để khai thác nhằm sớm có thêm nguồn cát phục vụ thi công dự án, tương tự như đã và đang thực hiện tại Đồng Tháp.
Cơ quan điều tra xác định giám đốc Phạm Quốc Văn đã bán trái phép hơn 27.000 m3 cát, thu lời bất chính 2,7 tỉ trong vụ mỏ cát lậu lớn nhất tỉnh An Giang.