Theo Bộ Tài chính Mỹ, khoản nợ này, tương đương với số tiền mà chính phủ liên bang vay để trang trải chi phí hoạt động, đã lên tới 33.040 tỷ USD tính đến này.
Bộ cho biết, chi tiêu liên bang tăng khoảng 50% từ năm tài chính 2019 đến năm tài chính 2021 đã góp phần khiến khoản nợ lên tới 33.000 tỷ USD.
Cắt giảm thuế, các chương trình kích thích và nguồn thu từ thuế giảm do tình trạng thất nghiệp lan rộng trong giai đoạn đại dịch COVID-19 là những yếu tố khiến khoản vay của chính phủ lên một mức mới.
Vấn đề nợ đang là tâm điểm tại Quốc hội liên quan đến dự luật chi tiêu nhằm duy trì hoạt động của chính phủ cho đến kỳ cấp vốn tiếp theo.
Theo trường Đại học Pennsylvania, các nhà lập pháp đảng Cộng hòa đang thúc đẩy giảm chi tiêu, trong khi đảng Dân chủ ủng hộ các chương trình của Tổng thống Joe Biden, chẳng hạn như Đạo luật Giảm lạm phát, ước tính tiêu tốn hơn 1.000 tỷ USD trong thập niên tới.
Theo NBC News, đảng Cộng hòa tại Hạ viện ngày 17/9 đã công bố dự luật tài trợ cho chính phủ cho đến ngày 31/10 để đổi lấy việc cắt giảm 8% đối với các chương trình trong nước. Tuy nhiên, dự luật này có khả năng sẽ không được Thượng viện do đảng Dân chủ kiểm soát thông qua.
Một phát ngôn viên của Nhà Trắng nói với CNBC rằng nợ gia tăng là do việc cắt giảm thuế trị giá hàng nghìn tỷ USD, vốn mang lại lợi ích cho các tập đoàn lớn trong 20 năm qua.
Michael Kikukawa, Trợ lý thư ký báo chí Nhà Trắng, cho biết nếu được thông qua, các chính sách của Tổng thống Joe Biden - nhằm yêu cầu các tập đoàn lớn và giàu có đóng phần thuế công bằng và cắt giảm trợ cấp cho các công ty dầu mỏ và dược phẩm - sẽ cắt giảm thâm hụt đi 2.500 tỷ USD.
Quốc hội có thời hạn đến ngày 30/9 để thông qua dự luật chi tiêu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.57652055012903202-dsu-yt-00033-cum-mahc-neit-uad-nal-ym-auc-aig-couq-on/et-hnik/nv.vtv