Về phương hướng, Phó thủ tướng nhấn mạnh cần tập trung vào 3 nội dung chính mà đầu tiên là phải kết nối giao thông của 5 tỉnh với khu vực lân cận. Tiếp theo, các tỉnh phải phối hợp với nhau để thu hút đầu tư, đi xúc tiến đầu tư chung và phải xem nhà đầu tư mong muốn cái gì, khả năng của mình có đáp ứng được hay không, chứ không phải chỉ là mong muốn của các tỉnh; trong lĩnh vực nông nghiệp phải cố gắng sản xuất theo chuỗi vượt qua ranh giới của địa phương, chú trọng vấn đề liên kết. Đồng thời, các tỉnh phải chia sẻ lẫn nhau trong kết nối giao thông trên tinh thần lợi ích khu vực lớn hơn lợi ích địa phương, tỉnh nào khá thì làm (đường chung - PV) nhiều hơn và dĩ nhiên là phải giải quyết vấn đề cơ chế.
"Hội đồng điều phối vùng trước tiên là có tiếng nói chung, phải vang hơn, xa hơn tiếng cồng chiêng Tây nguyên, khẳng định vai trò của chúng ta. Các nội dung bàn thảo tại hội nghị không mới, nhưng thiếu cơ chế để làm nên chưa mang lại kết quả cao. T.Ư cùng các đồng chí xây dựng cơ chế riêng, đặc thù cho vùng này, T.Ư cho cơ chế, tháo gỡ các vướng mắc, còn lại các địa phương phải huy động nguồn lực để làm. Mục tiêu đến cuối năm nay sẽ hình thành cơ chế đặc thù cho Tây nguyên...", Phó thủ tướng phát biểu.
Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết thêm trong quy hoạch hệ thống đường cao tốc, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT xây dựng kế hoạch đến năm 2030, khu vực Tây nguyên sẽ phải đầu tư 8 tuyến cao tốc với chiều dài 830 km, trong đó đến năm 2025 hoàn thành đầu tư 4 tuyến dài 295 km. Để hoàn thành được khối lượng công việc hết sức lớn trong giai đoạn này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải có tư duy mới, cách làm mới, quyết tâm cao, sự nỗ lực lớn trong triển khai thực hiện.