Sưng chân không đau ai ngờ ung thư sụn di căn
Anh N.V.T. (45 tuổi, Nghệ An) cách đây 2 năm tự nhiên sưng phần mềm 1/3 dưới đùi trái từ từ tăng dần, không nóng đỏ, không đau, không hạn chế vận động khớp nên anh chủ quan không đi khám.
4-5 tháng nay, phần đùi trái anh T. sưng nhiều hơn, đau xuất hiện khi đi lại, tăng về đêm và chiều tối, có hạn chế vận động gấp gối. Bệnh nhân đi khám nhiều nơi đều được chẩn đoán thoái hóa khớp gối.
Gần đây bệnh nhân xuất hiện sụt cân, ho và có hạch bẹn, người mệt mỏi, chân sưng to... đi khám chuyên khoa ung thư thì được chẩn đoán: nghi ngờ sarcoma xương đùi T xâm lấn phần mềm, di căn hạch và phổi. Kết quả nhập viện làm sinh thiết khối u là ung thư sụn (sarcoma sụn).
Một bệnh nhân khác 19 tuổi, vừa vào điều trị tại Bệnh viện Vinmec trong tình trạng hay tê bì vùng xương chậu, ảnh hưởng vận động, dấu hiệu có khối u ở ổ bụng to dần. Trước đó bệnh nhân đã đi khám nhiều nơi nhưng đều không được phát hiện bệnh và đều có chẩn đoán nghi do chấn thương phần mềm sau chơi thể thao.
Tại bệnh viện, các bác sĩ đã chụp chiếu chẩn đoán, dựng hình ảnh 3D đánh giá cho thấy bệnh nhân có khối u to đã lồi ra ngoài vùng chậu. Đây là ca phẫu thuật rất khó khăn, nguy cơ đứt niệu đạo, mất máu nhiều trong ca mổ... Ê kíp hơn 30 y bác sĩ đã tiến hành ca phẫu thuật và lấy được khối u sarcoma sụn dài 20cm, ngang (phần lớn nhất) là 13cm.
Bác sĩ Trần Anh Tuấn, Bệnh viện K, cho biết ung thư sụn là một loại ung thư nguyên phát, gây biến đổi các tế bào ra sụn, đặc tính phát triển và di căn chậm. Sarcoma sụn thường phát triển ở xương hông, vai, xương chậu, xu hướng ảnh hưởng đến bộ xương trục thay vì xương tứ chi.
Ung thư sụn thường bắt đầu ở bên trong xương, tuy nhiên đôi khi các khối u có thể gây ảnh hưởng đến các mô ở gần xương, một số trường hợp hiếm gặp khối u có thể gây ảnh hưởng đến hộp sọ. Đây là khối u xương phổ biến thứ 2 và chiếm khoảng 25% trong tổng số các trường hợp u xương ác tính.
Những khối u này xuất hiện nhiều ở những tế bào sụn và có thể phát triển nhanh hoặc phát triển chậm. Bệnh này khá phổ biến ở nam giới, dễ lây lan đến các hạch bạch huyết và phổi, đồng thời không dễ phát hiện.
Theo GS.TS Mai Trọng Khoa, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, ung thư xương nguyên phát là loại ung thư xuất phát từ các thành phần của xương, chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong ung thư.
Trong đó sarcoma xương (chiếm 35%), sarcoma sụn (25%) và sarcoma ewing (16%) là 3 loại phổ biến nhất của ung thư xương. Sarcoma sụn phát sinh từ mô sụn, sarcoma xương phát sinh từ mô xương và sarcoma ewing là loại không rõ nguồn mô học thì thường phát triển ở trẻ em và người trẻ tuổi.
Không nên chủ quan với u sụn lành tính
GS.TS Trần Trung Dũng, bác sĩ điều trị chính cho bệnh nhân 19 tuổi kể trên, cho biết ung thư sụn có hai dạng nguyên phát hoặc chuyển từ u xương sụn lành tính sang ác tính.
Đa số các trường hợp người bệnh u xương sụn lành tính đều chủ quan, không theo dõi bệnh định kỳ. Chỉ đến khi thấy các dấu hiệu bất thường như khối u phát triển nhanh chóng, gây đau nhức, họ mới đi khám thì đã muộn.
Lúc này, khối u đã có kích thước to, phá hủy cấu trúc xương, làm biến dạng chi khiến bệnh nhân đau đớn, đối mặt với nguy cơ phải cắt bỏ chi, thậm chí tử vong nếu các tế bào ung thư đã di căn. Do đó, khi được chẩn đoán bị u sụn, bệnh nhân cần hết sức cảnh giác về nguy cơ u lành tiến triển thành ác tính.
Theo bác sĩ Tuấn, có 4 loại ung thư sụn chính:
- Thông thường: Phổ biến nhất và chiếm khoảng 80% ung thư sụn, chủ yếu xuất hiện ở các chi dưới như xương đùi, xương chày và xương bàn chân. Triệu chứng thường đau và sưng ở vùng bị ảnh hưởng, gãy xương, đau đầu, chóng mặt hoặc suy nhược.
- Tế bào trong suốt: Khối u hình thành ở phần cuối của xương. Tế bào ung thư lây lan chậm, nếu được phát hiện sớm, bệnh có khả năng điều trị cao bằng phẫu thuật. Bệnh xuất hiện chủ yếu ở xương đùi, ngực, cột sống, đầu xương dài; gây đau và tăng gãy xương.
- Thể biệt hóa: Một loại u ác tính bắt đầu ở dạng cấp thấp, sau đó các tế bào thay đổi theo thời gian. Khoảng 11% ung thư sụn là thể biệt hóa. Tế bào ung thư thường phát triển ở xương chậu, xương đùi, xương nối khuỷu tay và vai. Đau là triệu chứng phổ biến.
- Trung mô: Loại này rất kỳ hiếm và chưa đến 1.000 trường hợp được ghi nhận nhưng lây lan rất nhanh và mạnh. Khối u chủ yếu nằm ở hàm, xương đùi, cột sống hoặc xương sườn, có thể xuất hiện ở mô mềm bên ngoài xương. Khối u gây sưng, đau và có thể chèn ép dây thần kinh ở vùng bị ảnh hưởng.
Ung thư sụn nếu được phát hiện sớm và chưa di căn, tỉ lệ sống sót sau 5 năm là 75,2%. Với loại thông thường, tỉ lệ sống sót sau 5 năm lên tới 90% do tế bào ung thư lây lan chậm. Chỉ có khoảng 1-6% ung thư sụn thông thường lan khắp cơ thể....
Bệnh nhân bị u sụn lành tính cần tái khám sau mỗi 2-3 tháng nhằm phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, tránh tình trạng u sụn lành tính biến đổi thành ác tính.
Đặc biệt, mỗi người nên kiểm tra sức khỏe thường xuyên và khi thấy xuất hiện các dấu hiệu xương hoặc khối sụn vẫn phát triển khi đã qua giai đoạn tăng trưởng, đau xương sau tuổi dậy thì, mô mềm vị trí u xương sụn to lên bất thường, nắp khối u xương sụn dày trên 1,5cm, đau khi vận động… cần đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời.
Kỹ thuật này được TS Nguyễn Anh Khôi, trưởng khoa ngoại đầu cổ - hàm mặt (Bệnh viện Ung bướu TP.HCM), cùng cộng sự cho ra đời. Sáng kiến này cũng vừa đoạt giải nhất Giải thưởng sáng tạo do UBND TP.HCM tổ chức.