Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đã ký nghị quyết về giám sát chuyên đề về việc thực hiện nghị quyết 88/2014/QH13 và nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Làm rõ trách nhiệm việc để xảy ra sai sót với môn lịch sử
Nghị quyết nêu đánh giá về kết quả thực hiện các nghị quyết trong giai đoạn 2014 - 2022, đồng thời chỉ ra những hạn chế, nhiệm vụ, giải pháp khi thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan "không chấp hành nghị quyết 88/2014/QH13 về nội dung 'Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa' trước khi Quốc hội ban hành nghị quyết số 122/2020/QH14".
Nghị quyết nêu rõ những bất cập khi Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức biên soạn được một bộ sách giáo khoa theo quy định của nghị quyết 88, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của Nhà nước, nhất là việc quản lý, cập nhật, phát triển nội dung giáo dục phổ thông.
Công tác quản lý, điều tiết giá sách giáo khoa, thực hiện chính sách xã hội với một số đối tượng và địa bàn.
Việc thực nghiệm sách giáo khoa chưa được coi trọng đúng mức, thời gian ngắn, chưa đảm bảo yêu cầu về quy mô và chất lượng.
Việc thẩm định, tiếp thu, chỉnh sửa sách giáo khoa chưa chặt chẽ, dẫn tới còn sai sót về nội dung ở 18 cuốn sách giáo khoa, nhất là sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1, khoa học tự nhiên lớp 6, lịch sử lớp 11.
Cung ứng, phát hành sách giáo khoa còn nhiều bất cập, qua nhiều khâu trung gian. Có tình trạng khan hiếm, thiếu sách cục bộ đối với một số đầu sách trước thềm năm học mới...
Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam đã xảy ra sai phạm trong in ấn, xuất bản sách giáo khoa, một số tổ chức, cá nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Quy định lựa chọn sách giáo khoa tại thông tư 25 của Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa chặt chẽ, dẫn tới cách thức triển khai không thống nhất giữa các địa phương, tạo ra kẽ hở để trục lợi, cạnh tranh không lành mạnh...
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ rõ việc để xảy ra sai sót đối với môn lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng cần được làm rõ trách nhiệm.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm chính trong tham mưu toàn diện việc triển khai đổi mới giáo dục phổ thông.
Về các tồn tại, hạn chế trong xây dựng, thực nghiệm, thẩm định chương trình, sách giáo khoa; không tổ chức biên soạn được một bộ sách giáo khoa; giá các bộ sách giáo khoa có tỉ lệ chiết khấu cao; hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông.
Việc sai phạm trong in, xuất bản sách giáo khoa; các dự án hỗ trợ đổi mới chương trình, sách giáo khoa, triển khai chậm tiến độ, tỉ lệ giải ngân thấp, có sai sót, khuyết điểm trong quản lý.
Kiểm tra, thanh tra việc xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa
Một trong những nhiệm vụ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt ra tại nghị quyết 686 là đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương tiếp tục thực hiện quy định của nghị quyết 88 về việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa.
Cùng với đó, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cần nghiên cứu, xem xét cơ chế, chính sách miễn tiền bản quyền đối với việc xuất bản sách giáo khoa do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu quyền tác giả.
Thực hiện kiểm tra, thanh tra việc xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, quá trình biên soạn, thẩm định, xuất bản, in, phát hành, lựa chọn sách giáo khoa trên phạm vi toàn quốc, nhất là việc sử dụng chi phí phát hành sách giáo khoa.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhiều lần khẳng định như vậy, gần nhất là tại phiên giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chương trình, sách giáo khoa ngày 14-8 và một ngày sau đó tại cuộc gặp gỡ giáo viên cả nước.