Hướng tới lứa kế thừa
Bốn vận động viên trẻ gồm Nguyễn Văn Khánh Phong, Trịnh Hải Khang, Đặng Ngọc Xuân Thiện và Phạm Phước Hiếu. Đây là lần đầu tiên Phạm Phước Hiếu tham dự một giải đấu quốc tế.
Phạm Phước Hiếu cũng chính là em trai của Phạm Phước Hưng - người từng giành 7 HCV SEA Games, hai lần dự Olympic (2012 và 2016).
Đánh giá về những vận động viên dự Asiad 19, HLV tuyển thể dục dụng cụ nam Việt Nam Trương Minh Sang cho biết: "Ngoài HLV, việc có vận động viên giàu kinh nghiệm như Thanh Tùng chỉ dẫn cũng sẽ giúp các vận động viên tiến bộ rất nhiều.
Các vận động viên trẻ thi đấu ở Asiad lần này chính là lực lượng kế thừa cho tương lai của thể dục dụng cụ nam Việt Nam.
Tuy lần đầu dự giải quốc tế nhưng tinh thần và tâm lý của Phước Hiếu khá tốt. Việc được rèn luyện qua nhiều giải đấu sẽ giúp vận động viên cải thiện tâm lý, biết làm gì để điều chỉnh trạng thái thi đấu của mình".
Nỗ lực có huy chương
Tại Asiad 19, tuyển thể dục dụng cụ nam sẽ phải đối đầu với các vận động viên thể dục dụng cụ rất mạnh của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Dù vậy, toàn đội vẫn nỗ lực với mục tiêu ít nhất có được 1 huy chương. Trong đó, ba nội dung được xem là có khả năng cạnh tranh là: vòng treo (Khánh Phong), ngựa vòng (Xuân Thiện) và nhảy ngựa (Hải Khang).
Cả ba vận động viên này đều có kinh nghiệm thi đấu quốc tế ở SEA Games, các giải châu Á... Trong đó, Khánh Phong, Xuân Thiện và Hải Khang đã từng giành 2 HCV đồng đội tại SEA Games 31 và 32.
Ngoài ra, Xuân Thiện còn đoạt 2 HCV ở SEA Games 31 và 32 ở nội dung ngựa vòng. Sau khi đoạt HCV SEA Games 32 ở nội dung vòng treo, Khánh Phong cũng giành HCB ở Giải vô địch Thể dục dụng cụ châu Á 2023.
HLV Trương Minh Sang chia sẻ: "Với Khánh Phong, chúng tôi đã nâng độ khó lên so với SEA Games 32. Và bạn ấy thể hiện khá ổn khi chúng tôi kiểm tra. Đó là cơ sở để tôi tính toán khả năng cạnh tranh huy chương. Nhìn chung phong độ các vận động viên tương đối ổn, chỉ còn một vài điểm cần cải thiện, chỉnh sửa".
Ngoài việc hướng đến mục tiêu có huy chương, theo ông Sang: "Việc cho các vận động viên trẻ tham dự Asiad là cơ hội để tích lũy kinh nghiệm, học hỏi các vận động viên từ các nước khác.
Ở tầm châu Á, Việt Nam phải cạnh tranh với vận động viên của những cường quốc thể dục dụng cụ như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc... Từ đó, các vận động viên Việt Nam mới có sự học hỏi và tiến bộ".
Môn thể dục dụng cụ tại Việt Nam sẽ nhận được hỗ trợ trực tiếp từ Liên đoàn Thể dục thế giới (FIG) nhằm phát triển mạnh hơn nữa.