Tại kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh Quảng Nam khai mạc sáng 21-9, UBND tỉnh này có tờ trình đề nghị xem xét thông qua, ban hành nghị quyết quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ khi dừng hoạt động chăn nuôi tại khu vực không được phép.
812 cơ sở không được phép chăn nuôi
Trước đó năm 2022, HĐND tỉnh ban hành nghị quyết số 26 quy định khu vực thuộc nội thị của thành phố, thị xã, thị trấn và khu dân cư không được phép chăn nuôi, sau đó tiếp tục ban hành nghị quyết số 40 sửa đổi, bổ sung một số nội dung của nghị quyết trên.
Khu vực quy định không được phép chăn nuôi chủ yếu là các khu vực thuộc nội thành của thành phố Tam Kỳ, Hội An, thị xã Điện Bàn, thị trấn và khu dân cư tập trung đông đúc như huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Núi Thành, Tiên Phước, Hiệp Đức, Bắc Trà My.
Có khoảng 812 cơ sở chăn nuôi (trong đó có 39 cơ sở chăn nuôi trang trại và 773 cơ sở nông hộ) thuộc khu vực không được phép chăn nuôi.
Theo quy định, từ ngày 1-1-2025 các cơ sở này phải dừng chăn nuôi hoặc di chuyển đến địa điểm phù hợp.
Theo ông Hồ Quang Bửu - phó chủ tịch UBND tỉnh, việc ban hành các chính sách hỗ trợ khi dừng hoạt động chăn nuôi tại khu vực không được phép nhằm ổn định đời sống người dân trong thời gian đầu buộc phải ngừng hoạt động.
Tạo điều kiện cho người chăn nuôi khôi phục phát triển chăn nuôi tại địa điểm mới hoặc chuyển đổi sang ngành nghề khác.
Mục tiêu đến cuối năm 2024 có ít nhất 30% số cơ sở nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi đảm bảo điều kiện được nhận cơ chế hỗ trợ. Đến cuối năm 2025 có ít nhất 65% và cuối năm 2026 có 100% số cơ sở được nhận cơ chế hỗ trợ.
Hỗ trợ tháo dỡ, di dời chuồng trại, chuyển đổi nghề
Theo nội dung tờ trình, về hỗ trợ tháo dỡ, di dời chuồng trại, đối với chuồng nuôi tường xây gạch hoặc đá hoặc song kim loại, gỗ, cột xây gạch hoặc bê tông hoặc kim loại, nền láng xi măng, lát gỗ, hoặc đất nện chặt thì mức hỗ trợ 200.000 đồng/m2 chuồng nuôi, nhưng tối đa không quá 30 triệu đồng/cơ sở chăn nuôi.
Chuồng nuôi được thiết kế theo kiểu chuồng kín có hệ thống làm mát tự động thì mức hỗ trợ 250.000 đồng/m2 chuồng nuôi, tối đa không quá 100 triệu đồng/cơ sở chăn nuôi.
Các kiểu chuồng nuôi còn lại mức hỗ trợ 100.000 đồng/m2 chuồng nuôi, tối đa không quá 10 triệu đồng/cơ sở chăn nuôi.
Về hỗ trợ ổn định đời sống, chuyển đổi nghề nghiệp, chủ cơ sở và người lao động trực tiếp làm việc tại cơ sở chăn nuôi được hỗ trợ.
Cụ thể đối với chăn nuôi nông hộ mà chăn nuôi không phải là nguồn thu nhập chính, chủ cơ sở được hỗ trợ một lần 6,6 triệu đồng/người.
Đối với chăn nuôi nông hộ có nguồn thu nhập chính từ chăn nuôi, chủ cơ sở được hỗ trợ một lần 10,2 triệu đồng/người, mỗi đối tượng phụ thuộc được hưởng hỗ trợ một lần 3,6 triệu đồng/người.
Đối với chăn nuôi trang trại, chủ cơ sở và người lao động trực tiếp làm việc tại cơ sở được hỗ trợ một lần 10,2 triệu đồng/người, mỗi đối tượng phụ thuộc của chủ cơ sở được hưởng hỗ trợ một lần 3,6 triệu đồng/người.
Tỉnh cũng sẽ hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng để chuyển sang hoạt động ngành nghề khác hoặc chăn nuôi địa điểm khác.
Chủ cơ sở chăn nuôi, người lao động có nhu cầu vay vốn tại các ngân hàng thương mại để đầu tư một ngành nghề khác hoặc tổ chức chăn nuôi tại địa điểm khác, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ 100% lãi suất vay, nhưng tối đa theo mức lãi suất cao nhất của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh.
Mức vay tối đa không quá 200 triệu đồng/cơ sở chăn nuôi (người lao động), thời gian hỗ trợ lãi suất tối đa 36 tháng.
Chủ cơ sở chăn nuôi sau khi nghỉ chăn nuôi, muốn đầu tư phát triển chăn nuôi tại địa điểm khác, được Nhà nước ưu tiên xem xét bố trí đất theo các địa điểm đã được quy hoạch.
Cơ chế, chính sách hỗ trợ này do nguồn ngân sách tỉnh đảm bảo thực hiện, có hiệu lực đến hết tháng 12-2026.
Trong văn bản "trả lời kiến nghị về tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi" được gửi đến Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai ngày 8-5, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã triển khai nhiều giải pháp như giảm lãi suất, gia hạn gói tín dụng... để hỗ trợ người nuôi.