Phát biểu tại cuộc tọa đàm với các nhà đầu tư Mỹ ngày 21-9, giờ địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng quan hệ Việt Nam - Mỹ là một hình mẫu trong lịch sử quan hệ quốc tế về hàn gắn vết thương và xây dựng quan hệ sau chiến tranh, theo TTXVN.
Mới đây, hai bên đã quyết định nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Cùng với những lĩnh vực hợp tác truyền thống lâu nay, một số trọng tâm hợp tác mới được lãnh đạo cấp cao hai nước thống nhất và quan tâm thúc đẩy. Trong đó, đẩy mạnh hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư hiệu quả, hài hòa, bền vững là nền tảng cốt lõi, động lực quan trọng và "động cơ vĩnh cửu" cho quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
Bên cạnh trọng tâm hợp tác kinh tế, hai bên cũng xác định khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là các lĩnh vực hợp tác mang tính đột phá và "không có giới hạn" như phát biểu của Tổng thống Joe Biden.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn chào đón các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư Mỹ. Việt Nam sẽ luôn đồng hành, lắng nghe, hỗ trợ các nhà đầu tư, đặc biệt là tiếp tục nỗ lực hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh triển khai đột phá về hạ tầng, bao gồm cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh cải cách hành chính… để tạo thuận lợi, giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh cho các nhà đầu tư trong điều kiện mới.
Thời gian tới, với chủ trương hợp tác, thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, Việt Nam ưu tiên thu hút các dự án đầu tư thuộc các ngành, lĩnh vực đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, ứng phó biến đổi khí hậu, sản xuất chất bán dẫn, năng lượng mới (như hydrogen), năng lượng tái tạo…
Với quan điểm "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy và nhận thức, động lực bắt nguồn từ sáng tạo và đổi mới, sức mạnh từ nhân dân và doanh nghiệp", Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp Mỹ tiếp tục vào Việt Nam để hợp tác, đầu tư để cùng thắng, cùng có lợi, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, góp phần thúc đẩy quan hệ song phương, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân và góp phần vào hòa bình, hợp tác phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng chủ trì tọa đàm bàn tròn với các giáo sư, học giả một số trường đại học vùng Đông Bắc Mỹ như Đại học Harvard, Đại học Columbia, Đại học New York, Đại học Yale về "Thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững trong môi trường kinh tế toàn cầu biến động".
Phân tích tình hình thế giới hiện nay, Thủ tướng cho rằng thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, vượt dự báo, trong đó nổi bật là các vấn đề dịch bệnh, cạnh tranh chiến lược, khó khăn về kinh tế, biến đổi khí hậu, an ninh mạng…
Trước tình hình đó, Việt Nam nỗ lực tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt các giải pháp thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Nhờ đó tại Việt Nam, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; tăng trưởng được thúc đẩy; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; bội chi ngân sách và nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia được kiểm soát tốt.
Nhiều tổ chức quốc tế uy tín đánh giá cao tình hình và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam, trong đó Heritage Foundation xếp hạng Chỉ số tự do kinh tế năm 2023 của Việt Nam là 61,8 điểm, tăng 12 điểm so với năm 2022. Thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất thế giới giai đoạn 2019 - 2022, đạt 431 tỉ USD năm 2022. Tạp chí Financial Times nhận định Việt Nam là "1 trong 7 nền kinh tế nổi bật trong một thế giới đầy biến động".
Thủ tướng cho biết bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam vẫn tồn tại những hạn chế như sản xuất công nghiệp phục hồi chậm, lạm phát vẫn chịu nhiều sức ép, các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
"Việt Nam luôn coi trọng việc tăng cường đối thoại, trao đổi, tư vấn chính sách; với tinh thần chân thành, tin cậy, sẻ chia, cùng hợp tác, cùng phát triển", Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị.
Tại tọa đàm, các giáo sư Mỹ đánh giá cao khả năng xử lý khủng hoảng như phòng chống dịch COVID-19, suy giảm kinh tế toàn cầu, đứt gãy chuỗi cung ứng… của Việt Nam. Các học giả đề xuất Việt Nam tập trung các động lực tăng trưởng như: xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng; thu hút đầu tư chất lượng cao gắn với chuyển giao công nghệ, tập trung thu hút nước ngoài vào các ngành mới nổi, giá trị gia tăng cao... Cùng với đó Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng số, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực số, bảo đảm an ninh mạng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, quy hoạch và phát triển đô thị, nông thôn…
Thủ tướng Chính phủ nhận định cục diện kinh tế và chính trị toàn cầu đang đứng trước những biến chuyển sâu, rộng nhất trong nhiều năm qua.
Nằm trong vòng xoáy đó, đòi hỏi Việt Nam không chỉ phải có tư duy và tầm nhìn phát triển phù hợp mà cần những hành động, phản ứng chính sách nhanh, kịp thời và quyết liệt để có thể hạn chế thách thức và tận dụng được cơ hội. Để làm được như vậy, việc tăng cường năng lực phản ứng, chống chịu, thích ứng, quản trị rủi ro và năng lực nội tại của nền kinh tế là đòi hỏi tất yếu và cần thiết đối với Việt Nam.
Thủ tướng cho rằng đối với các vấn đề toàn cầu, đòi hỏi phải có cách tiếp cận toàn cầu, đề cao đoàn kết và hợp tác quốc tế; ủng hộ chủ nghĩa đa phương và tăng cường hội nhập, liên kết dựa trên luật lệ, hài hòa lợi ích của các bên tham gia, đặt người dân là chủ thể, là trung tâm, là nguồn lực và là động lực cho phát triển.
Thủ tướng nhấn mạnh trong suốt chặng đường đổi mới và phát triển hơn 35 năm qua, Việt Nam luôn hết sức trân trọng sự hợp tác, hỗ trợ quý báu của các đối tác quốc tế, trong đó có Mỹ.
"Đây cũng là một nội hàm rất quan trọng của Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững Việt Nam - Mỹ", Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt đầu các hoạt động đầu tiên tại trụ sở Liên Hiệp Quốc bằng hai hội nghị cấp cao về khí hậu và chuẩn bị ứng phó đại dịch tương lai.