Tại cuộc hội kiến sau đó, Phó chủ tịch nước khẳng định quan hệ hai nước chưa bao giờ tốt đẹp như hiện nay. Bà bày tỏ tin tưởng chuyến thăm của Hoàng thái tử và công nương sẽ là dấu mốc quan trọng, góp phần tăng cường sự hiểu biết và tình cảm giữa nhân dân hai nước, qua đó phát triển hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản lên tầm cao mới trong thời gian tới.
Còn nhiều tiềm năng to lớn
Phó chủ tịch nước nhấn mạnh hai dân tộc Việt Nam và Nhật Bản có sự gần gũi về văn hóa, phong tục tập quán, cùng chia sẻ nhiều giá trị và quan tâm chung. Bà bày tỏ hy vọng Nhật Bản tiếp tục ủng hộ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, thúc đẩy hợp tác trên mọi lĩnh vực và mở rộng sang cả các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, bảo đảm an ninh năng lượng và lương thực...
Về phần mình, Hoàng thái tử Akishino nhấn mạnh Việt Nam là đối tác gần gũi, tin cậy và cùng đồng hành của Nhật Bản. Sự giao lưu trong lịch sử, sự hiểu biết giữa hai dân tộc là nền tảng quan trọng để hai nước tiếp tục thúc đẩy hợp tác đưa quan hệ Việt - Nhật lên tầm cao mới.
Hoàng thái tử cũng đánh giá cao sự đóng góp của cộng đồng khoảng 500.000 người Việt Nam tại Nhật vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Nhật Bản, đồng thời bày tỏ mong muốn có nhiều hơn nữa số người Nhật nghiên cứu và học tiếng Việt.
Dấu ấn thực chất
Trả lời Tuổi Trẻ, nguyên tổng lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka Vũ Bình cho rằng chặng đường 50 năm chưa dài nhưng quan hệ hai nước đã có những bước tiến lớn, để lại dấu ấn rõ nét, nhất là từ khi xây dựng quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á.
"Về mặt thực chất, nó không khác gì quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Khi nói đến chiều rộng, ta nói về sự hợp tác trên mọi lĩnh vực, trong khi chiều sâu của mối quan hệ nằm ở sự tin cậy cao giữa hai nước", ông Bình nói. Việt Nam cũng là nước đầu tiên ở Đông Nam Á mà Hoàng thái tử Akishino đến thăm kể từ dịch COVID-19.
"Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới nhưng chưa nằm ở vị trí đầu tiên trong hợp tác tại Việt Nam, trong khi không gian hợp tác còn rất nhiều", ông Bình nói. Nhận định về tương lai, ông cho rằng ngành công nghiệp chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin sẽ dẫn đầu trong hợp tác Việt - Nhật.
Ông Bình đặt ra bài toán Việt Nam có thể xây dựng một hệ sinh thái gắn chặt với các tập đoàn lớn của Nhật Bản, đóng vai trò phù hợp trong chuỗi cung ứng này. Hai nước có tiềm năng rất lớn trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao vì Nhật Bản có năng lực nghiên cứu, công nghệ, trong khi Việt Nam lại có năng lực sản xuất. Các sản phẩm nông nghiệp là kết quả hợp tác Việt - Nhật có thể "vươn tầm thế giới", ông nêu.
Điểm đến yêu thích của doanh nghiệp Nhật
Một khảo sát gần đây của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho thấy Việt Nam là quốc gia được yêu thích thứ hai trên thế giới (chỉ sau Mỹ) để doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng kinh doanh trong tương lai.
Theo ông Bình, đó là "một tín hiệu tích cực khi chúng ta có thể đón nhận dòng đầu tư, khách du lịch Nhật đến Việt Nam". Tuy nhiên ông cũng đặt ra bài toán nhân lực Việt Nam cần nâng cao tay nghề cũng như tính chuyên nghiệp trong công việc, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
"Chúng ta cần phải nỗ lực để mang lại mối quan hệ cùng thắng, nhất là khi chúng ta đang có chương trình hợp tác cụ thể với Nhật Bản về đào tạo nhân lực trình độ cao", ông Bình nói.
Hoàng thái tử Nhật Bản Akishino và Công nương Kiko là những khách mời đặc biệt trong lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, tổ chức vào tối 21-9 tại Hà Nội.